Các quan chức tình báo Mỹ cho biết một số tên lửa đạn đạo mà Nga dùng để tập kích mục tiêu tại Ukraine gần đây đều giải phóng thiết bị hình phi tiêu, dài khoảng 30 cm, có thân màu trắng và đuôi màu cam. Thiết bị đặc biệt này được phóng ra khi cảm biến trên tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M nhận thấy chúng đang bị tổ hợp phòng không Ukraine ngắm mục tiêu.
Mỗi thiết bị được trang bị hệ thống điện tử tạo ra tín hiệu vô tuyến để gây nhiễu hoặc đánh lừa radar đối phương đang xác định vị trí tên lửa đạn đạo Iskander-M, đồng thời tạo ra nguồn nhiệt cao để thu hút tên lửa tầm nhiệt đang lao tới. Một quan chức tình báo Mỹ giấu tên cho hay thiết bị mồi bẫy này là lý do phòng không Ukraine khó đánh chặn tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga.
Ảnh chụp thiết bị mồi bẫy bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội cách đây hai tuần, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi vũ trang và phi phát xít hóa Ukraine" hôm 24/2. Một số chuyên gia ban đầu nhầm chúng với bom chùm vì kích thước và hình dạng của mồi bẫy.
Nga chưa bình luận về thông tin trên.
Quan chức tình báo Mỹ cho biết mồi bẫy trên tên lửa đạn đạo Nga tương tự thiết bị "hỗ trợ xâm nhập" được dùng trong Chiến tranh Lạnh, đi kèm cùng đầu đạn hạt nhân từ thập niên 1970.
Loại thiết bị này được thiết kế để đối phó hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương và cho phép đầu đạn tiếp cận mục tiêu. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho hay chưa loại vũ khí thông thường nào được tích hợp mồi bẫy tương tự tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga.
Tiến sĩ Jeffrey Lewis, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California, nhận định mồi bẫy trên tên lửa đạn đạo là một bí mật quân sự, bởi khi đối phương biết về nó, họ sẽ nghiên cứu cách ứng phó.
Bởi vậy, Lewis cho rằng các chỉ huy Nga quyết định khai hỏa tên lửa Iskander-M trang bị mồi bẫy, dù nguy cơ bị lộ bí mật công nghệ là rất cao, cho thấy tính cấp thiết của nhu cầu tiêu diệt mục tiêu.
"Phiên bản Iskander trang bị mồi bẫy này nhiều khả năng không được Nga xuất khẩu sang các nước khác, mà giữ công nghệ quý giá này cho riêng mình", Lewis nói. "Điều đó cho thấy chiến dịch này đủ quan trọng để họ từ bỏ bí mật đó".
Nga phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn 9K720 Iskander nhằm thay thế tên lửa chiến thuật OTR-21 Tochka. Quân đội Nga biên chế tên lửa Iskander từ năm 2006.
Xe phóng của biến thể Iskander-M mang hai tên lửa 9M723 với tầm bắn khoảng 400-500 km, có thể mang theo đầu đạn thông thường, đầu đạn hạt nhân hoặc thiết bị tạo xung điện từ.
Biến thể Iskander-K sử dụng tên lửa hành trình 9M728 và 9M729. Tên lửa 9M728 có trần bay 6.000 m, tầm bắn 500 km, có thể tự động điều chỉnh đường bay theo địa hình và tương thích với xe phóng của biến thể Iskander-M.
9M729 được cho là phát triển trên cơ sở tên lửa hành trình 3M14 Caliber-NK với tầm bắn 480-5.470 km và tên lửa hành trình Kh-101 với tầm bắn hơn 5.500 km.
Nguyễn Tiến (Theo NY Times)