Ngày 15/7, bác sĩ Trần Hạnh Vy, Khoa Da Liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết phần da vùng kín khá nhạy cảm, dễ phản ứng với các yếu tố ngoại lai, cũng như các bất thường bên trong cơ thể. Mụn mọc ở vùng kín đa phần không phải là bệnh lý nghiêm trọng, nhưng gây cảm giác khó chịu, hoang mang cho người bệnh.
"Dấu hiệu cũng cảnh báo của tình trạng da tại chỗ hoặc báo hiệu bệnh lý nào đó bên trong cơ thể, cần đi khám và điều trị kịp thời", bác sĩ nói.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mụn mọc vùng kín, như tình trạng viêm nang lông do vi khuẩn, gây ra các nốt mụn đỏ, mụn mủ. Viên nang lông thường phân bố ở gốc nang lông, có mủ, đau rát, ngứa nhiều do cạo hoặc triệt lông không đúng cách, vệ sinh kém, dùng nhiều hóa chất tẩy rửa, mặc quần áo quá chật...
Viêm tuyến mồ hôi nung mủ cũng khiến vùng kín nổi mụn. Đây là một bệnh da nhiễm trùng mạn tính và tái phát thường xuyên ở vùng có tuyến mồ hôi tiết mùi của cơ thể dẫn đến sưng tấy, mưng mủ, áp xe gây đau đớn và làm suy giảm chất lượng sống.
Nhiều trường hợp nổi mụn do viêm da tiếp xúc khi sử dụng các chất gây kích ứng hoặc dị ứng như sữa tắm, chất khử mùi, chất tẩy rửa, khăn lau, kem dưỡng ẩm, băng vệ sinh, tampon, thụt rửa, bột giặt, nước xả vải...không phù hợp. Nữ giới đổ mồ hôi nhiều, dịch tiết âm đạo, nước tiểu, tinh dịch... cũng xuất hiện mụn. Triệu chứng chính là ngứa, kích ứng, nặng hơn là mụn nước, da khô, bong vảy...
Trẻ nhỏ nổi mụn có thể do mắc bệnh u mềm lây, bệnh nhiễm trùng do virus molluscum (thuộc nhóm poxvirus) gây ra mụn ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể do tiếp xúc trực tiếp hoặc lây qua các vật dụng bị nhiễm. Ở người lớn, bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp khi quan hệ tình dục không an toàn.
Một số trường hợp nổi mụn cóc do mắc bệnh sùi mào gà, do virus HPV gây u nhú ở người gây ra. HPV lây truyền từ các thương tổn trong quá trình tiếp xúc da - da. Dấu hiệu và tốc độ phát triển bệnh khác nhau ở mỗi người. Các yếu tố như mang thai, dùng thuốc ức chế miễn dịch, suy giảm miễn dịch... có thể đẩy nhanh sự phát triển và lan rộng của mụn cóc. Nhiễm HPV đặc biệt nguy hiểm ở nữ vì một số chủng HPV (16,18) có thể gây ra ung thư cổ tử cung, âm hộ.
Nhiễm Herpes simplex (HSV) vùng sinh dục gây ra mụn rộp. Sau khi nhiễm, HSV tồn tại trong các hạch thần kinh và gây tổn thương da tái phát nhiều lần. Biểu hiện thường gặp là nổi mụn nước, mọc thành chùm, chứa dịch hơi đục, khi vỡ tạo thành các vết trợt, mảng trợt gây đau rát.
Bên cạnh đó, các giai đoạn dậy thì, mang thai, tiền mãn kinh, mãn kinh, thay đổi nội tiết tố trong cơ thể làm tăng hoạt các tuyến bã nhờn, từ đó gây bít tắc lỗ chân lông và hình thành các nang bã, nang thượng bì. Ngoài ra, thời kỳ mang thai còn dễ hình thành mụn thịt.
Theo bác sĩ Vy, mụn vùng kín thường không gây nguy hiểm tính mạng mà chỉ là những vấn đề bệnh lý tại chỗ gây khó chịu, giảm chất lượng cuộc sống.
Để vùng da này khỏe mạnh, bạn cần mặc quần áo thoáng mát, không bịt kín. Thay quần áo sạch mỗi ngày hoặc sau mỗi lần vận động mạnh, đổ mồ hôi.
Không sử dụng xà phòng tắm, sữa tắm hoặc gel tắm có nước hoa để vệ sinh vùng kín. Chọn những sản phẩm dịu nhẹ, hạn chế thụt rửa, chà xát hay rửa quá thường xuyên. Không thoa kem dưỡng vào vùng âm hộ.
Khi vệ sinh vùng kín cần lưu ý dùng giấy vệ sinh lau sạch mỗi khi đi vệ sinh. Không sử dụng thuốc xịt, nước hoa. Nên thay băng vệ sinh khi đã sử dụng trong 4 giờ đầu.
Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Có thể sử dụng chất bôi trơn để giảm tình trạng khô trong khi quan hệ. Không sử dụng bao cao su có diệt tinh trùng.
Không nên tự ý chích mụn, nặn mụn, vì đa phần các mụn vùng kín là do tình trạng nhiễm trùng, nhiễm virus. Việc chích nặn mụn có thể làm tình trạng này nặng hơn, dễ làm lây ra mầm bệnh ra những vị trí khác của cơ thể và dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác do vùng sinh dục thường ẩm và bít.
Minh An