Thạc sĩ, bác sĩ Tạ Quốc Hưng, Khoa Da liễu Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, ngày 25/1 cho biết những ngày gần đây khoa đã tiếp nhận nhiều người bị tai biến nặng nề sau khi làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ không uy tín. Trong đó, bệnh nhân nữ 24 tuổi này, ở Lâm Đồng, là ca tai biến nặng nề.
Cô được người quen giới thiệu tiêm filler nâng mũi cách đây 6 tháng. Bốn ngày sau tiêm, mũi của cô bắt đầu bị nhiễm trùng, đau nhức, đầu mũi sưng tấy, ủ dịch đỏ. Cô quay lại nơi tiêm thẩm mỹ để can thiệp, được tiếp tục bơm một loại dung dịch vào mũi và giới thiệu "thêm 4 triệu đồng để tiêm hai ống tế bào gốc giúp tăng sức đề kháng". Sau đó, cô tiếp tục được tiêm kháng sinh vào mông để "giảm sưng tấy", tình trạng ngày càng nghiêm trọng nên đến Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM khám.
Bác sĩ Hưng chẩn đoán bệnh nhân bị hoại tử vùng mũi do tắc mạch sau tiêm chất làm đầy (filler). Cô đồng thời bị viêm đỏ và giảm thị lực mắt phải.
Sau hai tuần sau điều trị, vùng mũi khô dần nhưng thị lực vẫn còn kém, có dấu hiệu xung huyết kết mạc, sụp mi.
"Cảm giác đau rát lan khắp da đầu", bệnh nhân chia sẻ. Một tháng sau điều trị, vùng da mũi lành, có sẹo, thị lực chưa cải thiện. Bốn tháng sau, thị lực mắt khôi phục được 2/10 so với trước điều trị. Các vết sẹo vùng mũi và trán hình thành sẹo lồi lõm xen lẫn nhau. Bệnh nhân tiếp tục điều trị, song tỷ lệ khôi phục không nhiều do tai biến nặng, lại không đến viện sớm để điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Hưng, filler là dạng chất làm đầy không bền vững. Chất này tiêm vào cơ thể một thời gian sẽ tự tiêu biến, phụ thuộc vào từng yếu tố cơ địa. Nếu được tiêm đúng cách, filler có thể tái tạo các thể tích khiếm khuyết hoặc tạo dựng lại các đường nét mong muốn.
Tuy nhiên, cần lựa chọn cơ sở uy tín để tiêm, bác sĩ có chuyên môn. Cận Tết, nhu cầu làm đẹp tăng cao, chọn lựa thẩm mỹ cẩn thận để đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe bản thân.
Thùy An