Gói làm đẹp cô chọn, được nhân viên ở spa giới thiệu là kỹ thuật đã học "bài bản" tại Hà Nội, "giữ dáng mũi trọn đời", giá 15 triệu đồng. Vài ngày sau khi nâng mũi, vùng đầu mũi đau nhức, cô nghĩ là phản ứng thông thường nên không đi khám.
Gần một tuần, mũi chảy mủ, mùi hôi, cô quay lại spa kiểm tra, được vệ sinh bên ngoài mũi. Vùng tổn thương bị viêm nặng và đau dữ dội hơn, cô đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, khám.
Thạc sĩ, bác sĩ Cao Ngọc Duy, Phó Trưởng Khoa Hàm Mặt Thẩm mỹ, ngày 13/1 cho biết bệnh nhân bị nhiễm trùng, chảy mủ, hoại tử nặng. Bệnh nhân được xử lý ban đầu không đúng cách dẫn đến biến chứng nặng, gây viêm, thủng, hoại tử và có sẹo đầu mũi.
Bác sĩ cắt lọc và loại bỏ mô hoại tử, gỡ toàn bộ tổ chức vùng mũi bị xơ dính; sử dụng sụn tự thân đồng thời cắt tách sẹo đầu mũi để giúp đầu mũi tròn và đứng.
Tuy nhiên, bệnh nhân bị nhiễm trùng dài ngày, đầu mũi đã bị phá hủy nặng nề. Thách thức lớn nhất là phải bảo tồn được mô lành để giữ dáng mũi sau này, không bị sụp trụ mũi, cải thiện vết sẹo đầu mũi thẩm mỹ.
Theo bác sĩ, tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ có thể xảy ra, nhất là khi người dùng thực hiện theo các dịch vụ được quảng cáo giảm giá "tụt sàn" hay trả góp. Nhiều cơ sở làm đẹp sử dụng chất làm đầy không đạt chất lượng, gắn mác hàng xách tay từ Nhật Bản, Hàn Quốc... Người thực hiện phẫu thuật không có chuyên môn, thao tác không đúng kỹ thuật làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm khuẩn huyết, tắc mạch, dẫn đến hoại tử, tắc mạch võng mạc gây mù và tắc mạch não gây đột quỵ.
Đặc biệt, nâng mũi là kỹ thuật khó, không phải ai cũng thực hiện được. Chi phí phẫu thuật nâng mũi 30 đến 50 triệu đồng, tùy loại chất liệu. Các cơ sở nhỏ, không có chuyên môn, thực hiện nâng mũi giá rẻ, nguy cơ tai biến cao.
Thùy An