"Công ty tôi nhận ra vị trí địa lý không chi phối đầu ra nên cho nhân viên thoải mái lựa chọn nơi ngồi làm việc", Thuận, 33 tuổi, solution architect (kiến trúc sư giải pháp) và software manager của một công ty công nghệ ở TP HCM nói.
Công ty anh là một trong những doanh nghiệp đầu tiên chuyển sang làm việc từ xa trong thời Covid-19. Hết dịch, doanh nghiệp chuyển sang làm việc linh hoạt (hybrid working). Nhân viên được tùy chọn chế độ làm việc phù hợp nên hầu hết chỉ đến văn phòng một vài buổi trong tháng, còn lại làm ở bất cứ đâu tùy thích.
Riêng Thuận chọn bỏ phố về quê. "Khi áp dụng hybrid working là lúc tôi tự hỏi tại sao mình vẫn cứ ở Sài Gòn ngột ngạt", kỹ sư IT nói.
Vợ chồng Thuận đang sống tại xã EaKmut (huyện Eakar, Đắk Lắk), cách TP Buôn Ma Thuột hơn 60 km. Ngôi nhà ở Sài Gòn khóa cửa để đó, mỗi tháng anh ở vài ngày khi cần phải đến công ty.
![Duy Thuận trong một không gian làm việc của mình tại Eakar, Đăk Lăk, tháng 8/2023. Ảnh: Thuy Nguyen](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2023/10/31/2-3590-1698760993.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=igX-XXl0JPb-H962onYt3A)
Duy Thuận trong một không gian làm việc của mình tại Eakar, Đắk Lắk, tháng 8/2023. Ảnh: Thuy Nguyen
Tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) một sáng tháng 10, Thế Anh, 32 tuổi, bắt đầu công việc sớm hơn thường lệ để sau đó đưa con gái hai tháng tuổi đi tiêm vaccine. "Tôi có thể ra ngoài làm việc riêng hoặc giúp vợ chăm con trong giờ hành chính mà không sợ ai càm ràm", Thế Anh, nhân viên phòng marketing của một công ty trong lĩnh vực tài chính giáo dục, chia sẻ.
Công ty anh thành lập trong Covid-19, có 60 nhân viên ở hai miền Nam, Bắc. Trước đó họ làm việc online hoàn toàn, nay áp dụng chế độ ba ngày đầu tuần ở văn phòng, còn lại ở nhà.
Hybrid working - mô hình làm việc theo thời gian, địa điểm linh hoạt do người lao động tùy chọn, đang được ưa chuộng trên thế giới sau Covid-19. Mô hình này có thể áp dụng đa dạng các ngành nghề nhưng những áp dụng sớm nhất thường trong lĩnh vực công nghệ, tiếp thị, truyền thông, kế toán.
"Báo cáo tài năng khởi nghiệp Đông Nam Á 2023" do công ty tuyển dụng nhân sự Glints và quỹ đầu tư mạo hiểm Monk's Hill Ventures thực hiện cho thấy hybrid working đang là hiện tượng ở Đông Nam Á, với trung bình 45% doanh nghiệp áp dụng. Tại một số quốc gia, tỷ lệ áp dụng hybrid working khá cao, ví dụ Singapore 63%, Indonesia 59%. Việt Nam ít áp dụng nhất với tỷ lệ chỉ 11%.
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành một công ty công nghệ của Australia có văn phòng ở TP HCM, cho rằng hybrid working sẽ là mô hình làm việc của tương lai. "Nó sẽ ngày càng phổ biến khi công việc được quản lý bằng những công cụ đo lường hiệu quả (như OKR hay KPI) thay vì chấm công; khi công nghệ hỗ trợ ngày càng hoàn thiện và lòng tin, sự trao quyền của lãnh đạo đối với nhân viên tăng lên", bà Mai nói.
Đồng ý với nhận định này, chuyên gia lao động việc làm, phó giáo sư Nguyễn Đức Lộc, viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội cho biết xu hướng này giúp các công ty tuyển dụng được nhân tài và tạo cơ hội việc làm từ khắp nơi trên thế giới.
Sau dịch Covid-19, quá trình chuyển đổi số, thói quen làm việc và đặc biệt nhu cầu cân bằng cuộc sống - công việc đã thúc đẩy hybrid working, không chỉ ở các doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số cơ quan nhà nước ở TP HCM cũng đang thảo luận và thí điểm hybrid working.
Tuy nhiên không phải đơn vị nào cũng chuyển đổi thành công. Một số doanh nghiệp không có sự chuẩn bị quy trình làm việc, nền tảng; người lao động thiếu kỹ năng; không có các chương trình giao lưu kết nối làm mất đi tính gắn bó văn hóa doanh nghiệp hay nguy cơ người lao động làm cho nhiều công ty cùng lúc.
"Nếu không có sự gắn kết với công ty, hiệu quả lao động cũng tương tự outsourcing (thuê ngoài), người lao động đang tự biến mình thành người làm freelance, chứ không còn có quan hệ lao động ngang bằng với doanh nghiệp", ông Lộc nói và nhấn mạnh yếu tố kỷ luật, tính tự giác và đạo đức cần nâng cao khi hybrid working.
![Một buổi họp online của bà Mai, nhà sáng lập công ty và nhân viên. Ảnh: Groove Technology](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2023/10/30/Hybrid-meeting-Groove-9846-1698601698.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cPPR-Xokdh3xmjY62fhYzg)
Một buổi họp online của bà Mai, ông Matt - nhà sáng lập công ty và nhân viên. Ảnh: Groove Technology
Theo bà Mai thực chất đây là cuộc cách mạng chuyển từ work hard sang work smart (làm việc chăm chỉ sang làm việc thông minh). Công ty của bà cho các bộ phận đăng ký thời gian lên văn phòng, khuyến khích các phòng ban xoay vòng để gặp gỡ nhau.
Trước khi áp dụng, công ty ban hành những hướng dẫn các quy định làm việc, bổ sung công cụ, đào tạo kỹ năng làm việc từ xa. Nhân viên được trang bị máy tính cấu hình cao, tai nghe lọc tiếng ồn, bộ phát sóng wifi, thậm chí cả camera rời và đèn livestream để lên hình cho đẹp. Đồng thời nhiều hoạt động gắn kết cho người ở văn phòng và làm việc từ xa cũng được tổ chức như cùng tham gia game online, hay offline hàng tháng.
Một trong những yêu cầu bắt buộc khi hybrid working là phải mở camera khi họp. "Chúng tôi dành cả năm đào tạo để nhân viên hiểu được tầm quan trọng của bật camera khi làm online, động viên ăn mặc chỉn chu dù làm việc ở nhà để có trạng thái tốt nhất", bà Mai nói.
Một trong những khó khăn nhất là thay đổi suy nghĩ của người lãnh đạo. Hầu hết lo làm việc từ xa không kiểm soát được tình hình, sợ nhân viên bê trễ công việc. "Chúng tôi phải đào tạo cho lãnh đạo cấp trung tin tưởng, trao quyền cho nhân viên; quản lý công việc 'work smarter not harder' theo tiến độ dự án và kết quả, chứ không giám sát, làm phiền nhân viên", bà Mai cho biết thêm.
Hết quý 3/2022, ban lãnh đạo thừa nhận hybrid working giúp tiết kiệm và hiệu quả, thu hút được nhân tài từ nhiều nơi nên sẽ duy trì lâu dài. Ngân sách công ty cũng tiết kiệm được một khoản lớn từ việc ngừng thuê một nửa mặt bằng văn phòng (1.000 m2) ở trung tâm tâm quận 1, cũng như chi phí điện nước, dịch vụ.
"Chi phí vận hành giảm, doanh thu tăng không phải do sales mà thuần túy là nhân viên làm chủ", bà Mai cho biết.
![Thế Anh, 32 tuổi, làm việc tại nhà ở quận Hai Bà Trưng, hôm 26/10. Ảnh: Nhân vật cung cấp](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2023/10/30/395064864-724317723087495-8655-6455-4178-1698601698.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8hqB9uXsCsRNViWOueezUw)
Thế Anh, 32 tuổi, làm việc tại nhà ở quận Hai Bà Trưng, hôm 26/10. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thế Anh cho biết ưu điểm lớn nhất là khi hybrid working là cân bằng được công việc và cuộc sống. Trước đây khi vợ sinh con gái đầu, anh chỉ nghỉ vài ngày. Lần vợ sinh con thứ hai, anh chủ động xin làm việc hoàn toàn tại nhà một tháng. Nhờ tiết kiệm được 1,5 tiếng đi lại mỗi ngày, anh làm được nhiều việc nhà và chăm con.
Khảo sát gần đây của công ty về hình thức làm việc này cho kết quả, 80% đánh giá rất tích cực, 20% tích cực, không ai chọn đáp án "bình thường, tiêu cực và rất tiêu cực".
Với Duy Thuận, sống ở quê mang lại cho anh một cuộc sống đầy đam mê và sáng tạo. Mỗi ngày, anh làm việc từ 7h sáng đến 18h, luôn có trạng thái tinh thần tốt để bắt đầu công việc ngay lập tức, mà không bị lãng phí thời gian vào việc di chuyển, nghỉ ngơi, hoặc tìm kiếm cảm hứng.
Vì phải tiếp xúc với các đối tác, hiểu rõ nhu cầu của họ và đưa ra các giải pháp trước khi truyền đạt cho công ty, Thuận luôn phải nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. "Không phải cứ ở vùng sâu xa là để mình tụt hậu. Hàng ngày, tôi dành ít nhất hai giờ để đọc và nghiên cứu các công nghệ mới trên toàn thế giới", Thuận chia sẻ.
Kết thúc công việc vào buổi trưa và tối là thời gian Thuận dành cho sở thích cá nhân như vẽ, chăm thú cưng, cây cối và làm mộc. Hiện anh là quản trị viên một nhóm làm mộc DIY với gần 100.000 thành viên. Anh cũng chuẩn bị tốt nghiệp văn bằng hai ngành kiến trúc và đang tự mình thiết kế cũng như làm nội thất cho ngôi nhà tại EaKmut.
Do làm việc nhiều tại nhà, mỗi lần đến công ty là niềm vui đối với Thuận. Hàng tháng, anh bay về Sài Gòn một, hai lần để tham gia các hoạt động team building.
"Cả đội đang lên kế hoạch cho một chuyến thăm nhà tôi khi công trình hoàn thành cuối năm nay", chàng kỹ sư IT chia sẻ trong lúc đang team building tại một khu du lịch ở Vũng Tàu.
Phan Dương