Triton thế hệ mới đi theo khái niệm thiết kế Beast Mode và sở hữu ngoại hình hầm hố đã áp dụng trên mẫu concept XRT ra mắt tại triển lãm ôtô quốc tế Bangkok hồi tháng 3. Lưới tản nhiệt vuông vức với cụm đèn ban ngày LED mảnh và nằm cao như đôi mắt sắc lẻm của một con diều hâu, ngay bên dưới là đèn pha LED. Đèn hậu dạng chữ T và có một cánh gió nhỏ ở cửa thùng sau.
Ở Thái Lan, Triton bán ra với 3 kiểu thân xe, gồm cabin đôi với hai hàng ghế, cabin đơn chỉ một hàng ghế, và cabin đơn có một hàng ghế nhưng thêm không gian để đồ phía sau ghế.
Phiên bản cabin đôi dẫn động hai cầu có kích thước nhỉnh hơn thế hệ hiện hành, với chiều dài 5.360 mm, rộng 1.930 mm và cao 1.815 mm. Bản cabin đôi và cabin đơn với thêm không gian chứa đồ (đều bản một cầu) có cùng chiều dài 5.320 mm, rộng 1.865 mm, cao 1.795 mm.
Bản cabin đơn dẫn động hai cầu có chiều dài 5.265 mm, rộng 1.795 mm, cao 1.765 mm. Tất cả các bản có cùng trục cơ sở 3.130 mm.
Ngoài sự khác biệt về kích thước, Triton mới còn nhẹ hơn thế hệ cũ nhờ thân xe được làm từ thép cường độ cao.
Khi kích thước tăng, từ danh hiệu là một trong số các mẫu bán tải nhỏ nhất phân khúc, giờ đây Triton lại thuộc hàng lớn nhất. Đối thủ Toyota Hilux bản 2.8 turbodiesel dài 5.325 mm, rộng 1.855 mm, cao 1.815 mm và trục cơ sở 3.085 mm.
Bên cạnh phong cách hầm hố, Triton cũng được cải thiện độ tiện dụng với tay nắm cửa lớn hơn, bậc lên xuống rộng hơn. Thùng xe được hạ thấp hơn 45 mm, với chiều cao hiện nay là 820 mm.
Thiết kế táp-lô theo khái niệm Horizontal Axis với tạo hình mạnh mẽ, kiểu dáng hình học. Màn hình thông tin giải trí đứng tách khỏi táp-lô và ngay phía trên cửa gió điều hòa trung tâm.
Hệ thống kết nối thông qua ứng dụng Mitsubishi Connect cho phép chủ xe kiểm tra từ xa tình trạng của chiếc Triton, hoặc được thông báo về vị trí cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ khẩn cấp trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Khu vực bảng điều khiển trung tâm có hai hộc để cốc, trong khi hộc để đồ dưới bệ tì tay để được 4 chai nhựa 600 ml, hoặc máy tính bảng và tài liệu. Bên cạnh đó là các cổng sạc USB-A và USB-C, cùng một bệ sạc không dây.
Hệ thống treo giữ nguyên. Nhưng động cơ mã 4N15 của thế hệ cũ không còn được trưng dụng, thay bằng loại 4N16 cùng dung tích 2,4 lít, một thiết bị làm mát, công nghệ điều khiển cánh VGT, phun nhiên liệu điện tử và hệ thống cam đôi (DOHC).
Động cơ 4N16 turbodiesel có 3 mức hiệu suất, với bản thấp nhất cho công suất 148 mã lực tại vòng tua 3.500 vòng/phút và mô-men xoắn 330 Nm ở vòng tua 1.500-3.000 vòng/phút. Bản trung cấp mạnh 184 mã lực và mô-men xoắn 430 Nm. Bản cao nhất mạnh 201 mã lực tại 3.500 vòng/phút và mô-men xoắn 470 Nm tại 1.500-2.750 Nm.
Động cơ 4N16 đi kèm hộp số 6 cấp số sàn hoặc tự động, với bản mạnh nhất kết hợp số tự động và dẫn động hai cầu, trong khi hai bản thấp hơn có thể chọn giữa hai hộp số, cũng như hai bản dẫn động.
Vẫn có mặt trên Triton thế hệ mới là các hệ thống Super Select 4WD-II và Easy Select 4WD - những hệ thống gài cầu điện tử nổi tiếng của hãng. Ngoài ra, xe trang bị AYC (Active Yaw Control) - công nghệ hỗ trợ vào cua ổn định - dành cho các bản có hệ thống Super Select 4WD-II. Vi sai hạn chế trượt LSD là tiêu chuẩn cho cả hai bản dẫn động.
Nhưng tính năng an toàn hỗ trợ tài xế giống ở thế hệ cũ, như hạn chế va chạm phía trước (với phanh khẩn cấp tự động), cảnh báo điểm mù, hỗ trợ chuyển làn và cảnh báo phương tiện phía sau. Đặc biệt, một sự bổ sung đáng kể là kiểm soát hành trình thích ứng. Những hệ thống chủ động khác gồm cân bằng tự động, chống trượt, hỗ trợ đổ đèo và hỗ trợ khởi động ngang dốc vẫn như cũ.
Tại Thái Lan, Mitsubishi Triton thế hệ mới bán ra từ 26/7, giá từ 20.400 USD và cao nhất 30.000 USD. Mẫu bán tải dự kiến đến những thị trường khác ở Đông Nam Á trong 2024.
Tại Việt Nam, Mitsubishi Triton hiện bán ra với 3 phiên bản, giá 650-905 triệu đồng. Trong tháng 6, Triton duy trì vị trí thứ hai phân khúc với 147 xe, tăng nhẹ 5 xe so với tháng 5. Quán quân của phân khúc vẫn là Ford Ranger, với 1.585 xe, gấp nhiều lần so với tổng doanh số của cả Triton và những xe còn lại.
Mỹ Anh (theo Paultan)