"Ông có thể nói cho tôi biết tại sao chúng tôi bị khủng hoảng?", vị Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc hỏi tôi trong buổi trao đổi. Tôi trả lời ông cụ rằng: "Thế giới đã phát triển sang giai đoạn hậu công nghiệp, đang chuẩn bị cho một giai đoạn công nghiệp khác mà người Hàn vẫn thích các xí nghiệp lớn, nhà máy lớn, phương tiện lớn. Phải chăng đó là sự dịch chuyển chậm của thẩm mỹ kinh tế và công nghiệp của các ngài?".
Ông cụ sau đó mời tôi đi ăn và quan sát tôi trong suốt bữa ăn, không đưa ra thêm câu hỏi nào nhưng tỏ thái độ khá trìu mến.
Là một người Việt Nam, so với người Hàn Quốc, tôi không có kinh nghiệm mấy về sự phát triển. Là giám đốc công ty luật nhỏ, không mấy kinh nghiệm so với chủ tịch một ngân hàng lớn, thế mà tôi lại nhận được câu hỏi như vậy. Lúc đó tôi đã nghĩ, mình phải truyền bá sự khiêm tốn vĩ đại này đến càng nhiều người Việt càng tốt.
Một người vừa già, vừa có địa vị cao, là công dân của một nước kinh nghiệm về phát triển như thế mà hỏi tôi theo cách rất chân thật giữa hội trường một nghìn người về vấn đề mà ông có thể nắm rất rõ. Tôi rất cảm động về sự khiêm tốn khổng lồ như vậy trong những con người chỉ đạo chủ chốt một nền kinh tế.
Đó là phẩm hạnh phải biểu dương để mọi người Việt đều biết. Bởi chúng ta có những khái niệm vội vã, những tuyên ngôn vội vã cho nên ta rất khó đến gần cái đúng, cái chính xác khoa học. Trong tất cả các độc lập, độc lập khoa học là rất khó, đấy là ý kiến của tôi.
Trong một cuộc trao đổi, nhà báo hỏi về mô hình nhà nước kiến tạo. Tôi trả lời, tôi không đủ tư liệu để giải thích và trên thế giới cũng chưa ở đâu có đầy đủ tư liệu khoa học để giải thích định nghĩa này. Vậy hệ thống chính quyền ở các cấp của chúng ta hiểu khái niệm ấy như thế nào? Đây là một khái niệm lớn, nếu áp dụng trên quy mô đại trà, nó sẽ tạo ra một cuộc học tập rộng lớn toàn Đảng, toàn dân. Nếu như khái niệm này không được nhất quán một cách khoa học từ các phía khác nhau, nó sẽ làm xã hội cũng như chính quyền các cấp lúng túng trong việc triển khai.
Lâu nay một số người hay nói chữ và tưởng rằng đấy là sự khôn khéo mà quên mất, nói chữ nhiều quá có thể dẫn tới định hướng nhận thức sai. Đừng nghĩ nói chữ là vô hại. Nói chữ nhiều là một trong những nguyên nhân có thể tạo ra các cách hiểu khác nhau về khái niệm, tạo ra tình trạng không có nhận thức nghiêm túc ở các tầng nấc khác nhau. Điều này vô cùng nguy hiểm. Khi đã nhập nhèm về mặt khái niệm tức là nhập nhèm về mặt khoa học nhận thức. Mà nhập nhèm sẽ dẫn tới xây dựng hệ thống quản lý trên cơ sở nhập nhèm.
Tuy nhiên, đây cũng là tình trạng ở nhiều quốc gia. Tổng thống Trump đã nhận ra sự nhập nhèm về mặt khái niệm tồn tại trong nhiều nhiệm kỳ của chính phủ Mỹ. Nó tạo ra trạng thái các quốc gia khác ăn trên lưng người Mỹ, quyền lợi Mỹ bị tước đoạt một cách khôn khéo. Ông Trump đã cho rằng nước Mỹ phải xác lập lại chất lượng đạo đức trong các quan hệ.
Vấn đề quan trọng đối với bất cứ quốc gia, thể chế nào là không thể duy trì tình trạng nhập nhèm về nhận thức. Các khái niệm phải được hoàn thiện một cách chặt chẽ, để từ đấy xã hội có nhận thức đúng đắn. Bây giờ, không có sự bảo vệ nào cho lợi ích của xã hội hiệu quả bằng nhận thức của người dân, người tiêu dùng và người sản xuất.
Cho nên cần phải nhanh chóng xây dựng hệ thống khái niệm một cách rõ ràng, chắc chắn và luật hóa để nó có giá trị pháp lý. Về mặt khoa học, phải chứng minh rằng lợi ích của việc định nghĩa tường minh các khái niệm quan trọng thế nào. Thí dụ, có một quyền rất quan trọng là quyền sử dụng đất. Đấy là một quyền đa chiều. Sử dụng đất xây dựng khác, sử dụng đất đô thị khác, sử dụng đất cư trú lâu dài lại khác nữa. Quyền sử dụng đất luôn gắn liền với tiền - là thứ quyền có thể bán được. Giá trị của quyền sử dụng chính là khái niệm quán xuyến toàn bộ giá trị đất đai. Nếu chúng ta không đưa ra các định nghĩa và pháp chế hóa nó thành các luật thì không có công cụ để quản lý. Và khi đó, nó trở thành các quyết định hành chính giống như trường hợp UBND TP HCM làm đối với Thủ Thiêm.
Việc sử dụng chữ nghĩa đúng rất quan trọng. Khi sự đúng đắn, chính xác của ngôn ngữ xuất hiện thì ngôn từ mới có thể định hướng; còn có những thuật ngữ được gài vào đâu đó thì có nói mấy xã hội cũng không chấp nhận. Xã hội Việt Nam vẫn là một xã hội nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn là chính, những khái niệm như "số hóa", liệu có bao nhiêu phần trăm người hiểu? Cần phải xây dựng một hệ thống khái niệm đầy đủ để từ đó xây dựng bộ khung pháp lý vừa quản lý quyền lực trong nước, vừa quản lý quyền lợi quốc gia cả bên trong lẫn bên ngoài. Nếu không làm được việc ấy sẽ khó có thể thành công, cho dù nói hay đến mấy, nhiều đến mấy.
Tôi xin hoan nghênh mọi việc làm, làm gì cụ thể cũng tốt, thậm chí nếu chẳng may có hơi sai thì chúng ta sửa. Bởi trên thế giới không có chính phủ nào làm đúng ngay một lần các chính sách của mình. Năng lực sửa sai là năng lực chủ yếu của tất cả các chính phủ chứ không phải năng lực làm đúng ngay mọi thứ. Cho nên tôi muốn nói rằng: chúng ta cứ dũng cảm mà làm. Có câu "dò đá qua sông" - cho thấy sự mò mẫm tìm kiếm các cách thức để đi đến cái đúng chính là triết học của sự phát triển.
Tôi là một thương nhân, là một luật sư kinh doanh, tôi làm việc với các cộng đồng văn hóa khá kỹ. Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra ở châu Á, tôi đến thăm Hàn Quốc theo chương trình do Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội tổ chức. Trong một buổi tiếp xúc, tôi đã ca ngợi những việc mà tổng thống Park Chung Hee làm vào thời kỳ đầu. Vậy mà ông Thứ trưởng Bộ ngoại giao Hàn Quốc nói với tôi: "Nếu tổng thống của chúng tôi không làm những việc ấy thì tốt cho người Hàn Quốc biết mấy". Xã hội người ta nhận ra cái sai rất tinh khôn.
Cho nên, cần phải nghiên cứu một cách khoa học để mình trở nên hấp dẫn đối với thế giới. Không đủ dũng cảm để làm một vài việc thì chúng ta vĩnh viễn là những kẻ ngốc nghếch một cách hiền lành.
Nguyễn Trần Bạt
* Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt vừa qua đời tối 15/12, đây là bài viết ông gửi tới chuyên mục trước đó. Chúng tôi xin thành kính tưởng nhớ người đã khuất.