Được phê duyệt quy hoạch năm 1996, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) rộng 930 ha, nằm ven sông Sài Gòn, cách trung tâm quận 1 chừng 300 m, được kỳ vọng là khu đô thị đẹp nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên do để xảy ra sai phạm nên sau hơn 20 năm triển khai, khu đô thị chưa thể hoàn thành vì vấp phải sự phản đối của người dân ở đây. Nhiều cán bộ ở thành phố để xảy ra vi phạm ở dự án đã bị kỷ luật.
Những năm qua, các cơ quan Trung ương và chính quyền TP HCM có nhiều cuộc làm việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, ở nhiệm kỳ này chính quyền TP HCM nhiệm kỳ 2016 -2021 đã tổ chức 4 cuộc đối thoại công khai với dân Thủ Thiêm để tìm sự đồng thuận, sớm có giải pháp hoàn thành khu đô thị nhưng kết quả không như mong đợi.
Lần đối thoại đầu tiên diễn ra ngày 10/6/2016, sau 6 tháng ông Nguyễn Thành Phong được bầu giữ chức Chủ tịch UBND TP HCM. Buổi làm việc là dịp người đứng đầu chính quyền thành phố "lắng nghe những kiến nghị, phản ánh của người dân xung quanh việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng triển khai dự án".
Tại buổi làm việc, phần lớn hộ dân cho rằng nhà đất không nằm trong quy hoạch khu đô thị. Việc thu hồi đất và bồi thường cho người dân không đúng pháp luật... Luật sư của người dân còn nêu dự án có "lợi ích nhóm" và đề nghị Chủ tịch UBND thành phố làm rõ trách nhiệm những người liên quan.
Buổi gặp gỡ kéo dài cả ngày nhưng không thu được nhiều kết quả. Do chưa tìm được tiếng nói chung nên việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở khu đô thị, nhất là quyền lợi của người dân Thủ Thiêm hai năm sau đó không chuyển biến so với trước.
Vấn đề Thủ Thiêm chỉ bùng lên khi tại buổi họp báo ngày 2/5/2018, đại diện UBND thành phố cho biết tấm bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 kèm theo Quyết định 367 năm 1996 bị "thất lạc". Điều này khiến Thanh tra Chính phủ đẩy nhanh thanh tra toàn diện dự án.
Hơn 4 tháng vào cuộc, ngày 4/9/2018, cơ quan thanh tra có thông báo 1483 chỉ ra nhiều sai phạm trong việc triển khai xây dựng khu đô thị. Trong đó đáng chú ý kết luận thanh tra xác định khu đất 4,3 ha ở khu phố 1, phường Bình An nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cơ quan thanh tra đề nghị chính quyền thành phố sớm khắc phục sai phạm và đảm bảo quyền lợi người dân.
Ngày 18/10/2018, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong có buổi gặp khoảng 30 hộ dân ở diện tích 4,3 ha nằm ngoài ranh. Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết đã có kế hoạch thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, giải quyết 11 vấn đề liên quan dự án, hỗ trợ và bồi thường cho người dân.
Về quyền lợi các hộ dân trong khu 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch nhưng bị cưỡng chế, UBND thành phố lấy ý kiến về phương án đất đổi đất. "Một lần nữa tôi chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm ở khu 4,3 ha ngoài ranh. Tôi xin chia sẻ về hy sinh của những gia đình, hộ dân phải rời bỏ nơi mình gắn bó từ bé để xây dựng khu đô thị", ông Phong nói.
Buổi đối thoại kết thúc nhưng nhiều hộ dân chưa đồng tình với phương án đưa ra. Sau đó, Tổ công tác giải quyết vấn đề Thủ Thiêm của thành phố tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ các trường hợp có đất trong khu 4,3 ha để bàn bạc thêm về phương án đền bù.
Đến ngày 6/10/2019, HĐND thành phố họp và thông qua chính sách giải quyết bồi trường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với 331 hộ dân khu đất 4,3 ha (bồi thường bằng cách áp dụng giá đất theo hệ số quy đổi với 3 phương án là tiền, nền đất và nhà tái định cư).
UBND thành phố sau đó hứa sẽ hoàn tất bồi thường cho người dân trong khu 4,3 ha trong tháng 9/2020, nhưng sau đó chưa thực hiện được. Tại buổi họp báo hôm 3/11, Chánh văn phòng UBND TP HCM Hà Phước Thắng cho biết chậm nhất ngày 31/12 sẽ bàn giao nền tái định cư cho người dân trong khu 4,3 ha.
Lần tiếp xúc thứ ba diễn ra ngày 7/11/2018. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong làm việc với gần 40 hộ dân Thủ Thiêm ở hai phường Bình An và Bình Khánh về chính sách bổ sung bồi thường, nằm trong lộ trình giải quyết thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ.
Tuy nhiên, các hộ dân không tập trung vào những nội dung này, mà yêu cầu lãnh đạo thành phố trả lời khiếu kiện của họ. Hầu hết cho rằng cả 5 khu phố thuộc 3 phường Bình An, An Khánh và Bình Khánh đều nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chứ không chỉ có 4,3 ha. Do phát sinh mới nên người đứng đầu UBND thành phố cho biết sẽ làm việc với Thanh tra Chính phủ để xác định lại vấn đề.
Sau buổi đối thoại, nhiều hộ dân tiếp tục gửi đơn khiếu nại, số khác ra Hà Nội khiếu kiện. Tháng 4/2019, Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ và UBND TP HCM phải tổ chức đối thoại với các hộ dân trong 5 khu phố thuộc 3 phường về vấn đề ranh quy hoạch và báo cáo trước ngày 1/6/2019. Tuy nhiên, việc đối thoại nhiều lần phải hoãn do cận Tết Nguyên đán và sau đó Covid-19 bùng phát.
Lần đối thoại thứ tư giữa UBND thành phố, Thanh tra Chính phủ với người dân Thủ Thiêm diễn ra chiều 27/11, để giải quyết khiếu kiện ngoài ranh của các hộ dân ở 5 khu phố thuộc 3 phường theo chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.
Trong phần công bố dự thảo báo cáo kiểm tra, rà soát liên quan khiếu nại ranh quy hoạch 5 khu phố thuộc 3 phường, đại diện Thanh tra Chính phủ dẫn chứng nhiều hệ thống bản đồ quy hoạch, quyết định thành lập quận 2, ranh quy hoạch... để chứng minh nhà đất các hộ khiếu nại nằm trong ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Từ đó cơ quan thanh tra khẳng định khiếu nại của người dân "không có cơ sở giải quyết".
Tuy nhiên hầu hết ý kiến người dân bày tỏ sự không đồng tình với dự thảo. Họ cho rằng hệ thống bản đồ quy hoạch mà UBND thành phố cung cấp cho Thanh tra Chính phủ không có giá trị pháp lý để xác định ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Người dân một mực khẳng định nhà đất của họ bị cưỡng chế, giải tỏa trái luật.
Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết cần có một cơ quan rà soát, xem xét hồ sơ pháp lý của cả cơ quan nhà nước và người dân để có kết luận cơ sở pháp lý nào đúng nhất. Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ sẽ ghi nhận ý kiến người dân, báo cáo Thủ tướng để đưa ra quyết định cuối cùng. Một lần nữa buổi đối thoại kết thúc khi các bên không tìm được tiếng nói chung.
Hơn 4 năm qua, chính quyền TP HCM cố gắng có nhiều giải pháp, song kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm không như ý muốn. Nhiều hộ dân bị thu hồi đất tại Thủ Thiêm do chưa đồng ý về bồi thường đang phải ở tại khu tạm cư An Phú, An Lợi Đông (quận 2) xuống cấp, điều kiện sống thiếu thốn. Các dự án được xem bộ mặt khu đô thị nhưng với lý do thiếu vốn, vướng mặt bằng bị ngưng trệ nhiều năm, chưa biết lúc nào hoàn thành.
Trung Sơn