Tại nhiều địa phương ở Mỹ, các cử tri thường được dán nhãn "I Voted" ("Tôi đã bỏ phiếu") sau khi rời địa điểm bầu cử. Những người đeo miếng dán hay huy hiệu mang dòng chữ "I Voted" thường được nhận thức ăn, đồ uống miễn phí cùng nhiều ưu đãi khác từ các doanh nghiệp.
Không ai biết tấm huy hiệu "I Voted" mang niềm tự hào của cử tri Mỹ này xuất hiện từ bao giờ. Ai là người sáng tạo ra nó cũng vẫn là bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Theo một số chuyên gia, miếng dán "I Voted" được sản xuất vào đầu những năm 1980. Một bài viết trên tờ Miami Herald số ra ngày 29/10/1982 có nhắc tới biểu tượng này khi đưa tin về việc những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ ở Fort Lauderdale khuyến mại cho các khách hàng đeo chúng như thế nào.
Hiệp hội các Nhà môi giới bất động sản Phoenix cho biết họ bắt đầu phân phát những miếng dán, huy hiệu "I Voted" ở Phoenix và hạt Maricopa vào năm 1985. Trong khi đó, công ty National Campaign Supply ở Florida lại khẳng định họ mở bán các nhãn dán "I Voted" lần đầu vào năm 1986.
Janet Boudreau, người từng vận hành một công ty cung cấp các sản phẩm liên quan đến bầu cử, đã tự thiết kế một mẫu miếng dán "I Voted" với biểu tượng cờ Mỹ bay trong gió vào năm 1987. Lúc bấy giờ, vì thấy bất ngờ trước việc quá nhiều người Mỹ không biết đến ngày bầu cử nên bà muốn làm gì đó để thay đổi tình hình.
"Tôi muốn họ nhìn thấy mọi người xung quanh mang nhãn dán 'I Voted' và nghĩ 'Ồ, mình cũng nên làm như thế'", Boudreau chia sẻ.
Theo các nhà khoa học chính trị, bản thân miếng dán không khiến người dân Mỹ đi bầu. Việc nó tượng trưng cho nỗ lực đem lại cảm giác về một cộng đồng bầu cử đầy nhiệt huyết mới là động lực thúc đẩy các cử tri.
Richard Bensel, giáo sư nghiên cứu về bộ máy chính phủ tại Đại học Cornell, cho hay hệ thống bầu cử Mỹ thế kỷ XIX rất mang tính mở. Những người đàn ông được giao phó trách nhiệm sẽ tới các địa điểm bầu cử để thu thập phiếu bầu từ các chuyên viên thuộc mỗi đảng rồi phân phát cho cử tri. Sau đó, cử tri sẽ giao những tấm phiếu mà họ lựa chọn cho một trọng tài bầu cử. Người này có có nhiệm vụ mang từng lá phiếu bỏ vào hòm.
Bởi các lá phiếu mang mã màu nên những người đại diện, nếu muốn, có thể biết ai đã bỏ phiếu và bầu cho ai.
"Một miếng dán 'I Voted' khi ấy không mang nhiều ý nghĩa", Bensel cho hay. "Bất kỳ ai liên quan hay quan tâm đều có thể xem lá phiếu của bạn".
Thời bấy giờ, ngày bầu cử là một sự kiện trọng đại. Đàn ông để râu và ăn mặc chỉnh tề để thể hiện rằng họ đã đủ tuổi đi bỏ phiếu, theo Jon Grinspan, chuyên gia nghiên cứu lịch sử chính trị tại Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử Mỹ thuộc Viện Smithsonian, cho biết. Rượu được mở liên tục tại các địa điểm bỏ phiếu, tạo nên một bầu không khí cuồng nhiệt.
Sau khi hình thức bỏ phiếu kín ra đời vào cuối thế kỷ XIX, việc đi bỏ phiếu trở nên đơn điệu hơn. Đây là lý do vì sao tỷ lệ đi bầu vào thế kỷ XX giảm sút, giáo sư khoa học chính trị Donald P. Green từ Đại học Columbia, đánh giá.
Sau nhiều năm, một số hạt ngừng đặt hàng các nhãn dán "I Voted" vì thiếu ngân sách. Cơ quan quản lý hạt Santa Clara cho biết điều này giúp tiết kiệm 90.000 USD ngân sách hồi năm 2012.
Một số hạt khác cũng không đặt hàng biểu tượng để ngăn cử tri dán chúng lên các điểm công cộng. Tuy nhiên, huy hiệu hay những miếng dán "I Voted" vẫn có giá trị nhắc nhở mọi người tham gia bỏ phiếu.
Theo một số nghiên cứu, con người có xu hướng hành động chủ động hơn nếu họ biết rằng ai đó có thể chú ý tới mình. Các nhà kinh tế học tại Đại học California-Berkeley, Đại học Chicago và Đại học Harvard mới đây phát hiện ra rằng "bảo với người khác họ sẽ được hỏi về phiếu bầu sẽ khiến người ta muốn đi bầu hơn".
Tương tự, theo ông Costas Panagopoulos, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Fordham, khi những cử tri được cảm ơn tại một cuộc bỏ phiếu, họ sẽ có xu hướng tiếp tục đi bỏ phiếu trong tương lai.
Vũ Hoàng (Theo Time, USA Today)