Hà Tĩnh chiều 14/11 trời hửng nắng, hơi se lạnh, gió nhẹ. Tại các huyện ven biển Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, người dân cùng chính quyền địa phương tất bật chằng néo nhà cửa, di dời tài sản giá trị đưa đến những điểm an toàn. Loa phát thanh thôn, xóm liên tục phát cập nhật tin mới nhất về cơn bão Vamco.
Hai tuần trước, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Molave, thôn 1 Song Giang, xã Đan Trường, huyện Nghi Xuân bị lốc xoáy quét qua khiến hàng chục ngôi nhà tốc mái. Đang khắc phục thiệt hại do lốc xoáy gây ra, nhiều gia đình đành gác lại việc sửa chữa để chống bão Vamco, chờ bão tan sẽ làm tiếp.
Là một trong những gia đình bị thiệt hai nặng, trưa 14/11, ông Lê Văn Đoàn, 51 tuổi, trú thôn 1 Song Giang thuê hai thợ nề làm lại trần nhà với yêu cầu xong trong chiều nay để chống bão. Lúc 13h ngày 29/10 do ảnh hưởng bởi bão Molave, trong tích tắc, hàng trăm viên ngói lợp trên mái bị tốc, chuồng bò nhà ông đã đổ sập.
Ông Đoàn dự định đi làm thuê tích lũy thêm ít tiền để vài tháng nữa sửa nhà, sau khi được chính quyền cho người tới hỗ trợ lợp lại mái ngói ở tạm. Song, mấy hôm nay nghe tin bão Vamco có thể đổ bộ vào Hà Tĩnh, ông lo lắng, bàn với vợ đi vay họ hàng, làng xóm hàng chục triệu đồng về làm luôn.
"Công trình xây 10 năm trước, nay đang '"tổn thương". Lỡ may gió trong bão đánh sập nhà, gia đình không có nơi nào để ở nên phải gia cố để đề phòng. Đợt này, tôi phải chi hơn 30 triệu đồng", ông Đoàn cho hay.
Hà Tĩnh cấm biển lúc 17h ngày 13/11. Hàng trăm tàu thuyền đánh bắt trên vùng biển địa bàn đã vào các âu thuyền ở huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh tránh bão. Nhà chức trách lên phương án sơ tán hơn 17.000 người ở 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đi trú bão.
Chưa đầy một tháng sau trận đại hồng thủy "41 năm mới gặp", người Quảng Bình lại một lần nữa căng mình chống bão Vamco. Sáng 14/11, ông Đỗ Trọng Tải, trú thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy đứng quan sát thấy "sắc trời biển khác hẳn so với chiều qua: xám xịt, có mưa nhỏ và gió giật khoảng cấp 5".
Người đàn ông 64 tuổi đã trèo lên mái tôn đặt bao cát, buộc thêm dây thép để cố định chuồng bồ câu trên nóc nhà. Nhìn lũ bồ câu gù trên mái, ông Tải thở dài: "Buộc vầy thôi, chứ đài báo bão mạnh, gió cấp 13-14 thì mái ngói, chuồng bồ câu gì cũng bay ráo".
Cửa sổ hỏng vì ngâm nước trong đợt lụt hồi tháng 10 còn chưa sửa, ông gia cố tạm bằng thanh gỗ rồi đóng đinh. Người vợ chuyển dần quần áo, chăn màn lên gác đề phòng sau bão nước lũ dâng như tháng trước. Điện thoại, đèn pin chiếu sáng đều được sạc đầy, đề phòng cắt điện.
Từ tối qua, các con đi làm ăn xa liên tục gọi về, giục bố mẹ nhớ đi tránh bão. Ông Tải tính chiều tối ăn cơm xong sẽ cùng vợ đưa hai đứa cháu ngoại 6 tuổi và 2 tuổi sang nhà hàng xóm trú nhờ, không dám liều ở lại nhà một mình như trận lũ tháng trước. Khi đó, nước lụt dâng sát nóc, ông cố thủ trên trần hai ngày, sau phải bò lên mái tìm cách sang nhà hàng xóm.
Các nhà ông Tải 40 km, tại tổ dân phố 12, phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, mẹ con chị Hoàng Thị Hà cũng hối hả bơm nước vào hai chục chiếc bao nylon, đem gia cố lại mái lợp tấm xi măng. Nhà không có đàn ông, người mẹ ngót 70 tuổi đứng dưới giữ thang cho chị Hà trèo lên mái buộc miệng túi. Sáng nay, chị cũng đã bỏ hết đồ đạc vào trong bao tải, kê cao để tránh lũ về.
Hàng xóm đi qua thấy mẹ con Hà chống bão, gọi với "dọn đồ đạc xong xuôi, chiều tối sang đây mà trú, đừng ở nhà nguy hiểm". Sáng sớm, lãnh đạo phường Bắc Lý cũng qua khuyến cáo bốn mẹ con, bà cháu không ở lại nhà cấp bốn, tuyệt đối không ra thăm chuồng trại lúc bão vào.
Trại nuôi heo, gà ở cách nhà gần 3 km, chị Hà tính chiều nay ra buộc lại cửa nẻo, chặn cát cho ngói khỏi bay. Đợt lụt tháng trước khiến gia đình gần như mất trắng đàn heo sắp xuất chuồng và hơn 300 con gà. Còn ba con bò, chiều qua chị đã dắt đến nơi khô ráo. "Vừa qua đợt lũ, chưa kịp nuôi lại thì có bão. Thôi đành đợi hết năm nay rồi tính", chị Hà nói.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình sáng 14/11, các hồ chứa đã đạt 100% dung tích thiết kế. Toàn tỉnh ghi nhận 107 điểm có nguy cơ sạt lở. Ứng phó bão Vamco, địa phương dự kiến di dời hơn 76.000 cư dân khỏi vùng ven biển, cửa sông, nơi nguy cơ cao.
Quảng Nam vào chiều 14/11 có mưa nhẹ. Trên các tuyến đường ở thành phố Tam Kỳ, loa phát thanh di động của chính quyền xã gắn lên xe máy chạy khắp ngõ xóm phát thông báo người dân chủ động chằng chống nhà cửa phòng chống bão.
Từ sớm, ông Võ Văn Tuấn, 63 tuổi, thôn Hòa Thượng, xã Tam Thanh cùng vợ và con trai cho cát vào bao tải. Lần lượt các thành viên trong gia đình ông Tuấn mỗi người một việc đưa lên mái nhà bếp và nhà chăn nuôi gia cầm, gia súc.
Ông Tuấn kể, lúc bão Molave đổ bộ sáng 28/10, dù đã chèn chống nhà cửa chắc chắn nhưng ngói nung đất sét ở trên mái chính bị tốc hơn 200 viên. Mái hiên trước sân lợp bằng tôn bị giật lỏng hết các ốc vít. Căn nhà bếp và chăn nuôi gia súc, gia cầm bị gió thổi bay hết mái. Lúc đó, cả gia đình ông được chính quyền dùng xe bus chở đến Bộ chỉ huy Biên phòng Quảng Nam. Sau bão, ông Tuấn trở về mua gói lập lại mái nhà bị tốc, thuê người bắt lại ốc vít mái hiên nhà.
Trưa 14/11, các thành viên trong gia đình ông Tuấn đến trạm y tế xã trú bão. "Chưa có năm nào như năm nay, mưa kéo dài, bão xuất hiện liên tục", ông Tuấn nói. Hiện, mái nhà của ông đã neo chặt, hàng chục bao tải đựng cát được đặt lên trên.
Quảng Nam dừng tất cả cuộc họp để lo phòng chống bão Vamco. Tỉnh sơ tán 161 nghìn hộ dân ven biển và 10.000 hộ dân khu vực miền núi có khả năng sạt lở lớn ở 93 điểm có nguy cơ cao và khoảng 45.000 người dân ở vùng ngập lụt dọc theo hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.
Vamco là cơn bão thứ ba kể từ đầu tháng 11 đi vào Việt Nam. Trưa 14/11, tâm bão đang nằm phía nam quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), cách thành phố Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế khoảng 380 km, cách Quảng Trị 460 km về phía đông đông nam; sức gió tối đa 165km/h, cấp 13-14, giật cấp 17.
Dự kiến, sớm mai, bão đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào. Trước đó, bão Etau đổ bộ vào Phú Yên - Khánh Hòa hôm 10/11 mang theo mưa gió cấp 7 làm chết hai người. Trong tháng 10, miền Trung hứng chịu 4 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới. Ba đợt lũ cùng 13 vụ lở núi trong tháng qua làm 159 người chết, 71 người khác mất tích.
Để ứng phó bão Vamco, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi rà soát, chuẩn bị sơ tán hơn 460.000 người dân.
Người miền Trung chuẩn bị đón bão Vamco
Đức Hùng - Hoàng Phương - Đắc Thành