Mấy hôm nay bà Lê Thị Hải Đường, 52 tuổi, nhà ở đường Bình Quới, quận Bình Thạnh quét dọn, sửa sang, kiểm tra điện nước 6 phòng trọ để đón người khó khăn đến ở miễn phí. Cách đây 3 năm, bà Đường vay hơn một tỷ đồng xây 8 phòng trọ trên phần đất gia đình. Diện tích mỗi phòng 25 m2, trang bị đầy đủ máy lạnh, bàn ghế, nhà vệ sinh khép kín cho sinh viên thuê mỗi tháng 2,5 triệu đồng.
Khi dịch bùng phát, nhiều trường tạm nghỉ, sinh viên trả 6 phòng về quê. Cùng lúc này thành phố siết chặt giãn cách xã hội, kêu gọi người dân "ở đâu yên đó", không tự ý di chuyển, rời khỏi nơi cư trú. Bà Đường muốn mời những hoàn cảnh khó khăn đến ở trọ miễn phí nên chủ động liên hệ Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bình Thạnh để phối hợp tìm người.
Bà Võ Thị Phương Uyên, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bình Thạnh cho hay thông tin chỗ ở miễn phí của bà Đường được thông báo đến 20 phường. Các địa phương sẽ tìm những gia đình lao động xa quê, khó khăn về chỗ ở để giúp đỡ. Sáu phòng trọ nằm trong "vùng xanh" phường 28, tức đang được bảo vệ nghiêm ngặt ngăn dịch xâm nhập. Phường sẽ xét nghiệm Covid-19 miễn phí, đảm bảo những người vào ở có kết quả âm tính với nCov.
"Tôi sẽ hỗ trợ gạo, mì, thực phẩm cơ bản để những người đến ở tiếp tục cách ly ít nhất 7 ngày với bên ngoài", bà Hải Đường nói và cho biết dù mỗi tháng phải xoay xở để trả ngân hàng gần 30 triệu đồng cho khoản vay xây phòng trọ nhưng "khó khăn đó không là gì so với nhiều bà con đang túng quẫn vì dịch".
Cách nhà bà Đường hơn 20 km, gia đình bà Nguyễn Thị Tiền trọ ở ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, cũng từ bỏ ý định về quê khi chủ trọ thông báo miễn 100% tiền phòng. "Lâu nay làm bao nhiêu phải gửi về quê trả nợ nên không dư đồng nào", bà Tiền nói và cho biết 6 năm trước đứa con gái duy nhất ốm nặng, vợ chồng phải mượn nợ khắp nơi để chữa trị. Con hết bệnh, cả nhà đưa nhau lên Sài Gòn kiếm sống.
Bà Tiền bán trái cây ở chợ Hóc Môn, chồng làm hồ. Cả hai thất nghiệp khi dịch bùng phát mạnh khiến cuộc sống gia đình 3 người lâm vào cảnh bí bách. Tháng trước mấy người bạn cùng quê rủ chạy xe máy về An Giang tránh dịch bởi nếu tiếp tục ở lại sẽ không kham nổi tiền phòng, điện, nước, ăn uống. Kế hoạch hồi hương chưa kịp thực hiện thì khu trọ bị phong tỏa do có ca nhiễm.
"Trong cái rủi có cái may, 14 ngày cách ly được tiếp tế rất nhiều đồ ăn, một nhóm nhà hảo tâm còn đến tặng mỗi lao động thất nghiệp 800.000 đồng", người phụ nữ tuổi gần 50, khuôn mặt cháy nắng nói rồi nhìn vào góc bếp liệt kê gạo còn chục ký, mì hai thùng, trứng hai vỉ, tiền mặt 700.000 đồng.
Hôm dãy trọ được gỡ phong tỏa, bà chủ nhà Nguyễn Thị Thành thông báo miễn luôn tiền phòng tháng 8 cho tất cả người thuê kèm lời động viên "ráng ở lại". Mối lo thiếu tiền, thiếu đói được trút bỏ, gia đình bà Tiền quyết định tiếp tục bám trụ Sài Gòn chờ qua dịch đi làm kiếm tiền mưu sinh.
Khu nhà trọ nơi gia đình bà Tiền sống có 117 phòng với gần 300 lao động nhập cư. Hồi tháng trước, bà chủ trọ đã giảm một nửa tiền phòng, tặng gạo, mì cho người khó khăn. "Tôi mở phòng trọ ngót 20 năm, chưa bao giờ người lao động khốn khó như đợt này", bà Thành nói và cho biết khi chính quyền giãn cách xã hội kéo dài, nhiều lao động tự do trong xóm trọ phải "bó gối ngồi nhà".
Đến khi khu trọ bị phong tỏa thì "công nhân thất nghiệp ráo trọi". Người thuê trọ là dân tứ xứ, một số ở tỉnh xa như Nghệ An, Hà Tĩnh, gần ở An Giang, Cà Mau nếu chạy xe máy về quê sẽ rất nguy hiểm nên bà Thành bàn với gia đình giảm tiền phòng, cầu cứu khắp nơi tìm nguồn thực phẩm giúp đỡ người khó khăn.
"Từng ở trong cảnh khổ nên tôi biết mấy trăm ngàn đồng với người có tiền không là gì nhưng với người khó sẽ quý lắm", bà Thành nói và cho biết tổng số tiền miễn, giảm ở đợt này hơn 200 triệu đồng. Tháng tới, dịch chưa dứt, lao động còn thất nghiệp bà sẽ tiếp tục hỗ trợ người thuê trọ.
Theo Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM Phạm Chí Tâm, từ khi dịch bùng phát, tổ chức công đoàn cùng với các đoàn thể vận động chủ nhà trọ hỗ trợ cho công nhân, lao động khó khăn. Riêng ở đợt bùng phát dịch lần thứ tư, đến nay có hơn 620 chủ nhà trọ cam kết miễn, giảm tiền phòng cho khoảng 34.000 người ở trọ với số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Đợt dịch vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đời sống của người lao động khi hàng loạt nhà máy, xí nghiệp phải tạm thời đóng cửa, ngưng hoạt động. Công nhân ngừng việc, lao động tự do mất việc, không có thu nhập, không ít người đã tìm cách rời thành phố về quê.
Trước đó, trong công điện yêu cầu 19 tỉnh thành phía Nam kéo dài thêm 14 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hôm 31/7, Thủ tướng đề nghị các địa phương, trong đó có TP HCM phải sớm đưa ra giải pháp hỗ trợ đời sống để người dân yên tâm ở lại thành phố, không tự phát về quê khi dịch bùng phát.
Nhằm giúp người dân gặp nhiều khó khăn trong dịch, thành phố thành lập Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ cấp phát nhu yếu phẩm ở 3 cấp (thành phố, quận huyện và phường xã). Ngoài ra, chính quyền địa phương gấp rút chi hỗ trợ đợt hai với tổng kinh phí 905 tỷ đồng giúp người nghèo, lao động mất việc do Covid-19.
Tại cuộc họp báo chiều 5/8, Phó bí thư Thành ủy Phan Văn Mãi nói rằng việc hỗ trợ người dân không chỉ dừng lại ở một tuần mà sẽ là nhiều tuần, nhiều tháng tới. Thành phố huy động mọi nguồn lực từ người dân, xã hội, ngân sách và cả những quỹ dự trữ khi cần thiết.
Lê Tuyết