Chiều 2/8, tại cuộc họp về công tác an sinh xã hội, Phó bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết chủ trương trên đã được thông qua. UBND thành phố sẽ hoàn thiện các bước thủ tục, pháp lý để thành lập và vận hành. Trung tâm này sẽ theo dõi sát số liệu, đảm bảo nguồn nhu yếu phẩm, hỗ trợ xuyên suốt, không để xảy ra thiếu hàng hóa, bỏ sót người gặp khó khăn.
Theo ông Hải, TP HCM tập trung rất đông người dân không có hộ khẩu thành phố, công nhân các tỉnh khác. Vừa qua, thành phố huy động nhiều nguồn để hỗ trợ các hộ nghèo, người bị bởi dịch bệnh tác động nhưng chưa phủ kín. "Phải làm sao để họ được quan tâm, chăm lo đầy đủ, không để người dân nào bị đói trong thời gian giãn cách xã hội", ông Hải nói.
Phó bí thư Thành uỷ cho hay việc hỗ trợ hộ nghèo nếu làm hiệu quả sẽ phần nào hạn chế tình trạng người dân các tỉnh về quê tự phát. Từ trước đến nay cùng với chính sách hỗ trợ, thành phố vẫn khuyên người lao động cố gắng ở lại. Bởi việc về quê tự phát có thể làm lây lan dịch cho địa phương, gây ra tình trạng thiếu lao động, đứt gãy chuỗi sản xuất sau dịch.
Vấn đề đảm bảo đời sống cho người gặp khó khăn trong dịch cũng được đề cập trong công điện của Thủ tướng khi yêu cầu 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 thêm 14 ngày. Ngoài kiểm soát nghiêm ngặt về giãn cách, Thủ tướng đề nghị các địa phương phải sớm có những biện pháp hỗ trợ đời sống, y tế để người dân yên tâm "ai ở đâu ở đấy". "Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân", công điện nêu.
Tại hội nghị chiều nay, bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó ban Dân vận Thành uỷ TP HCM dẫn báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện thành phố đã chi khoảng 578 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 380.000 người. Đây là nguồn kinh phí nằm trong gói 886 tỷ đồng theo nghị quyết HĐND thành phố giúp người dân bị tác động bởi Covid-19.
Trong đó, hơn 311.000 người là lao động tự do (không có giao kết hợp đồng lao động), đạt 100% với 467 tỷ đồng. Số tiền còn lại được hỗ trợ cho người ngừng việc, hoãn việc; người bị chấm dứt hợp đồng lao động; hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động; thương nhân tại các chợ truyền thống. Trong tháng 7, địa phương cũng vận động hơn 537 tỷ đồng hỗ trợ người dân tại các khu phong toả, cách ly, người nghèo, khó khăn.
Lãnh đạo nhiều quận huyện cũng cho biết, thời gian qua đã vận động các chủ nhà trọ giảm, miễn phí tiền nhà cho công nhân. Nhiều phường xã tổ chức bếp ăn thiện nguyện, hỗ trợ lực lượng chống dịch và người dân trong các khu phong toả.