Từ 17h, đông người chạy xe máy chở lỉnh kỉnh đồ đạc từ nhiều ngả đổ về chốt kiểm soát giáp ranh giữa huyện Bình Chánh (TP HCM) và huyện Bến Lức (Long An) nằm trên quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Tân Túc để về miền Tây. Càng về tối lượng người đổ về càng đông, đứng chắn một làn đường khiến quốc lộ ùn tắc.
Lực lượng chức năng sau đó vận động họ đến tập trung trước nhà sách ở giao lộ đường Bùi Thanh Thiết và quốc lộ 1, cách chốt kiểm soát cửa ngõ chừng một km. Gần 50 cảnh sát cơ động cũng được huy động để giữ trật tự.
Đám đông liên tục rồ ga cùng hô to "về quê, về quê", nhiều người nằm vạ vật trên đường, vỉa hè. Phía đối diện, trung tá Nguyễn Văn Tâm, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện Bình Chánh nói qua loa "dịch bệnh ở TP HCM mới cơ bản được kiểm soát, theo chỉ đạo của Chính phủ, bà con chưa thể về quê" để vận động người dân quay về nơi ở.
Đứng lẫn trong dòng người, ông Văn Công Đệ, 47 tuổi, cho biết vì nghe TP HCM nới lỏng giãn cách nên chiều nay chở vợ đi xét nghiệm để về quê ở huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng. Ông cùng vợ đều làm phụ hồ nhưng 4 tháng qua mất việc. "Tôi thiếu tiền trọ 3 tháng rồi, ở trên đây cùng không có tiền ăn, bữa giờ cứ phải trông vô thực phẩm được hỗ trợ, bữa đói bữa no", ông Đệ nói.
Lái xe máy chở hai con 11-3 tuổi về quê An Giang nhưng cũng bị chặn lại, công nhân Nguyễn Thị Thu, 42 tuổi, nói dù biết không được về quê nhưng thấy hội đồng hương trên mạng xã hội kêu gọi nên đã "đánh liều" vì công ty đã phá sản. "Hai đứa con tôi mấy tháng nay thiếu ăn, sút kg. Phải chi tôi có chỗ làm sau ngày 1/10 hi vọng còn bám trụ được", nữ công nhân nói.
Đến 20h, lực lượng chức năng cung cấp nước suối và sữa cho gia đình có con nhỏ để lót dạ, đồng thời phát phiếu thu thập thông tin lập danh sách. Cảnh sát liên tục vận động người dân quay về nhà trọ nhưng đám đông vẫn không chấp hành.
Tại chốt cửa ngõ TP Thủ Đức đoạn gần khu du lịch Suối Tiên, trong chiều nay hơn 100 người mang theo hành lý tự chạy xe máy về quê. Tuy nhiên khi đến chốt kiểm soát cửa ngõ, họ bị lực lượng chức năng gồm công an, quân đội chặn lại, yêu cầu quay lại nơi ở.
Vợ mất vì Covid-19, ông Nguyễn Văn Tiền, 62 tuổi, cùng con trai tính chạy xe máy về quê huyện Định Quán, Đồng Nai mang theo hũ tro cốt cùng di ảnh của vợ. "Nghe tin thành phố nới lỏng giãn cách, tôi muốn đưa tro cốt này về quê để bà ấy được an nghỉ", ông Tiền nói.
Ông Tiền là lao động tự do, tạm trú phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức. Giãn cách xã hội, không thu nhập khiến gia đình kiệt quệ, nên về quê được xem là phương án tốt nhất mà ông nghĩ tới. Hôm qua ông làm xét nghiệm âm tính với ý định đến chốt trình nhưng không được giải quyết.
Lực lượng chức năng tại chốt cửa ngõ TP Thủ Đức đã phát loa thuyết phục, vận động người dân quay về lại nơi ở và liên hệ chính quyền địa phương để được trợ giúp. Cảnh sát cầm giấy đến từng người ghi lại thông tin, nguyện vọng của người dân để phối hợp các đơn vị có phương án hỗ trợ.
TP HCM đã ban hành chỉ thị mới về điều chỉnh các biện pháp kiểm soát hiệu quả Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội từ ngày 1/10. Chỉ thị này đưa ra sau khi thành phố 10 triệu dân trải qua hơn 120 ngày giãn cách với nhiều cập độ khác nhau. Từ đợt dịch thứ tư bùng phát hôm 26/5 đến nay, thành phố ghi nhận hơn 388.659 ca nhiễm (gần 50% ca nhiễm cả nước), đang điều trị khoảng 35.000 bệnh nhân; 14.631 ca tử vong.
Tại cuộc họp báo công bố chỉ thị mới sáng nay, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Hoà Bình cho biết sau ngày 30/9, thành phố bỏ giấy đi đường và ứng dụng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân. Tuy nhiên, thời gian tới người dân không tự ý đi xe cá nhân ra khỏi TP HCM.
Bổ sung thêm, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP HCM nói thành phố sẽ gỡ bỏ toàn bộ các chốt trong nội đô, song vẫn duy trì 12 chốt chính và 39 chốt phụ giáp ranh các tỉnh. Lực lượng tuần tra sẽ phối hợp công an địa phương kiểm soát người ra vào thành phố tại 51 chốt chặn này.
"Tâm lý người dân sau quy định mới muốn về các tỉnh nhưng theo tinh thần chỉ thị này không cho phép. Việc người dân đi về sẽ gây ùn ứ ở chốt, gây nguy cơ dịch bệnh", đại tá Quang nói và khẳng định cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm những trường hợp cố tình "thông chốt".
Những ngày gần đây, sau khi một số tỉnh thành ở miền Tây nới lỏng giãn cách, nhiều người ở Long An, Tiền Giang đã về quê bằng xe máy dẫn đến ùn ứ tại các chốt kiểm soát. Trước đó, ngày 15/8 khi hay tin TP HCM tiếp tục giãn cách kéo dài, nhiều người dân cũng tự chạy xe máy về quê nhưng bị lực lượng ở các chốt kiểm soát cửa ngõ chặn lại.
Chiều nay, Thủ tướng đã chỉ đạo TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An tiếp tục kiểm soát người ra vào, không để người dân tự phát rời khỏi địa phương đến nơi khác do diễn biến dịch ở khu vực này vẫn còn phức tạp, dịch đã nhiễm sâu trong cộng đồng. Những người thực sự cần thiết từ 4 tỉnh, thành này về các địa phương khác phải có kế hoạch đưa đón.
Đình Văn - Hà An