Người miền Nam tiêm phòng ở Chợ Lớn, thập niên 1890. Ảnh nằm trong tác phẩm "Nam Kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Đông", do J. C. Baurac - bác sĩ thuộc địa người Pháp từng đến Việt Nam vào thế kỷ 19 - thực hiện. Tiêm chủng là một phần việc của Baurac ở miền Nam Việt Nam. Trong sách, ông viết do tình hình dịch đậu mùa ở miền Nam thập niên 1890 trở nên căng thẳng, nhà chức trách phải tổ chức liên tục những điểm chích vaccine lưu động ở nhiều nơi để phòng ngừa, hạn chế lây lan. Sách được giới thiệu trong nước gần đây, nằm trong bộ gồm hai cuốn "Nam Kỳ và cư dân", tập đầu về các tỉnh miền Tây và tập sau về các tỉnh miền Đông, đều của bác sĩ J. C. Baurac. Ảnh trong sách do Baurac tự chụp hoặc sưu tầm từ các nhiếp ảnh gia. Tác phẩm là tư liệu giá trị về miền Nam thế kỷ 19 qua con mắt người Pháp, do Huỳnh Ngọc Linh biên dịch. Một buổi tiêm chủng ở miền Nam thập niên 1890. Hành trình khảo sát dịch tễ của bác sĩ Baurac vào thời điểm cuối thế kỷ 19 không chỉ góp phần giúp nghiên cứu cải thiện tình trạng vệ sinh, khắc phục vấn đề dịch bệnh qua phương thức tiêm chủng, mà còn giúp ông tiếp xúc, thu thập được nhiều thông tin để lập thành một bộ sách địa chí cho người Pháp thuở ấy. Một "xà lúp" (phiên âm từ tiếng Pháp "chaloupe"), hay còn gọi là xuồng máy, được dùng làm nơi tiêm phòng ở miền Nam. Baurac cho biết tại hạt Gò Công, số người đến tiêm vaccine mỗi buổi khoảng 5.000 (dân số 68.000 người). Ông viết trong sách: "Ngày nay, người bản xứ có niềm tin lớn lao vào vắc-xin, họ đã chăm lo hơn đến sức khỏe của con cái, cũng như cho chính họ". Trại cách ly Gành Rái - nơi chính quyền thuộc địa thực hiện cách ly những hành khách bị lây nhiễm trên những tàu bè đi vào vùng sông nước Nam kỳ. Một cảnh sinh hoạt của người miền Nam do J. C. Baurac ghi nhận. Chân dung tổng đốc Trần Bá Lộc (1839 - 1899), cộng sự đắc lực của thực dân Pháp, từng đàn áp nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân miền Nam cuối thế kỷ 19. Trần Bá Lộc cũng được nhắc đến bởi hệ thống kênh đào do ông chỉ huy lập ra, đem lại lợi ích cho vùng đất Đồng Tháp Mười. Sách còn giới thiệu các tư liệu hiếm về ảnh phong cảnh, chẳng hạn không gian vườn tược yên bình của quán cà phê Lyonnais, Sài Gòn năm 1864. Ảnh được in trên giấy bạch đản. Gia thất của nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) ở Chợ Lớn, do nhiếp ảnh gia Émile Gsell (1838 - 1879) chụp vào khoảng năm 1870. Ngôi nhà cạnh bờ sông lúc thủy triều xuống. Nhờ thời gian sống và làm việc lâu năm, phải thực địa sâu sát đến từng địa phương, bác sĩ Baurac thấu hiểu xứ sở thông qua hành trình tác nghiệp dọc theo hệ thống sông ngòi, từ đó tiếp cận được dữ liệu về dân cư, địa chí, các đặc điểm địa lý và tự nhiên, lịch sử... Một ngôi làng ở Gò Vấp vào cuối thế kỷ 19. Ange Eugène Nicolaï - phó thống đốc Nam Kỳ giai đoạn 1897-1898 từng đánh giá về sách: "Tôi đã đọc đi đọc lại cuốn sách của ông. Những chi tiết nhỏ nhất đã được nắm bắt và trình bày bằng sự sinh động và xác tín của người đã chứng kiến, tham gia (...) cũng như những tiến bộ thành tựu và rồi tìm ra điểm thu hút độc giả cho tác phẩm của mình. Công trình này thật cần thiết cho Nam kỳ...". Bờ sông Sài Gòn vào thế kỷ 19, góc trái là cột cờ Thủ Ngữ. Công trình này được xây dựng năm 1865, khi mới hình thành có chức năng làm cột tín hiệu cho tàu bè ra vào luồng lạch khu vực Sài Gòn - Gia Định. Cùng với Bến Nhà Rồng, Bến Bạch Đằng và Cầu Mống, cột cờ là yếu tố quan trọng tạo nên quần thể lịch sử, văn hóa đặc trưng, là nhân chứng cho quá trình phát triển đô thị TP HCM. Đầu năm ngoái, cột cờ được trùng tu, xung quanh trồng cây xanh, ghế đá phục vụ khách du lịch, kinh phí 10 tỷ đồng từ xã hội hóa. Mai Nhật (ảnh: J. C. Baurac, trích sách Nam Kỳ và cư dân của Omega+)Phụ nữ Việt 100 năm trước qua ống kính người nước ngoài