"Thứ nhất là OpenAI, công ty đang hợp tác với Microsoft, thứ hai là Google và thứ ba là Học viện Trí tuệ Nhân tạo Bắc Kinh", Smith nói với Nikkei Asia cuối tuần qua.
OpenAI là startup đứng sau siêu AI đình đám ChatGPT và công cụ chuyển văn bản thành hình ảnh Dall-E. Microsoft đang đầu tư hàng tỷ USD vào OpenAI và ứng dụng công nghệ này vào trong loạt sản phẩm của hãng như trình duyệt Edge, dịch vụ tìm kiếm Bing.
Trong khi đó, Google luôn là tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Thực tế, chữ T trong tên ChatGPT chính là Transformer - kiến trúc học sâu do Google phát triển từ năm 2017. Hãng cũng đã phát triển nội bộ một số chatbot AI nhưng không phát hành rộng vì lo ngại khó kiểm soát nội dung sai lệch. Tuy nhiên, sau khi ChatGPT gây sốt, Google bị đặt vào thế bị động và phải tung ra Bard dù chatbot này được thử nghiệm vội vã.
Học viện Trí tuệ nhân tạo Bắc Kinh cũng là tên tuổi nổi tiếng trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu AI. Năm 2021, đơn vị này giới thiệu Hoa Trí Băng, sinh viên ảo đầu tiên nhập học tại khoa máy tính và công nghệ của Đại học Thanh Hoa.
Theo Brad Smith, cuộc đua AI tạo sinh rất gay gắt và khoảng cách giữa các công ty "luôn được tính bằng tháng chứ không phải năm".
AI tạo sinh, công nghệ đằng sau chatbot như ChatGPT, có khả năng tạo văn bản và hình ảnh ở mức độ tinh vi gần như con người. Công nghệ này khiến người dùng phấn khích thời gian qua nhờ tiềm năng ứng dụng trong các lĩnh vực từ kinh doanh, nghệ thuật cho đến giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Dù vậy, nó cũng gây lo ngại khi giúp lan truyền thông tin sai lệch, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền riêng tư và rò rỉ thông tin nhạy cảm.
Tuy nhiên, Smith cho rằng không nên vì lo sợ mà kiềm chế AI. Thay vào đó, con người nên sử dụng và cải tiến sản phẩm hiện có. "Giống như các công nghệ khác, AI có thể là một công cụ nhưng cũng là một thứ vũ khí", ông nói, nhắc đến các cuộc tấn công mạng cũng là mặt trái của Internet.
Ông cho biết Microsoft đang sử dụng AI để xác định các cuộc tấn công mới theo thời gian thực. Ông cũng tự tin Microsoft đang vượt trội trong việc lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào vấn đề bảo mật này.
Bảo Lâm (theo Nikkei Asia)