Năm 2019, Microsoft lần đầu rót một tỷ USD cho startup đứng sau ChatGPT. Khi đó, thỏa thuận không nhận được nhiều sự chú ý. Tuy nhiên ba năm sau, thị trường đã rất khác.
Chạy đua đầu tư AI
Làn sóng cắt giảm chi phí ở hàng loạt công ty công nghệ sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong Covid-19 đã khiến nguồn vốn khởi nghiệp bị thu hẹp. Nhưng lĩnh vực AI vẫn là ngoại lệ khi các siêu AI với khả năng vẽ tranh, tạo video, trò chuyện dạng chatbot... đang trở thành ngôi sao sáng. Trong số đó, không startup AI nào nổi tiếng hơn OpenAI.
Tháng 11/2022, OpenAI tung ra ChatGPT và nhanh chóng gây sốt nhờ khả năng trả lời các câu hỏi bằng ngôn ngữ tự nhiên ở hầu hết vực. Khoản tiền tỷ từ trước đó ba năm của Microsoft trở thành chủ đề được quan tâm trong giới đầu tư mạo hiểm. Đến tháng 2, tập đoàn thông báo tiếp tục rót thêm khoản tiền khổng lồ cho OpenAI. Một số nguồn tin cho biết con số tổng cộng lên tới 13 tỷ USD.
Động thái dứt khoát giúp Microsoft trở thành "đại lý độc quyền" khai thác sức mạnh tính toán, giao diện lập trình, sản phẩm và nghiên cứu của OpenAI. Hãng nhanh chóng đưa ChatGPT, Dall-E vào công cụ của mình như trình duyệt Edge, công cụ tìm kiếm Bing, ứng dụng văn phòng Microsoft 365 với mục tiêu lật ngược tình thế trong cuộc đua với các đối thủ. Michael Turrin, nhà phân tích tại Wells Fargo, ước tính mỗi năm Microsoft có thêm ít nhất 30 tỷ USD doanh thu, một nửa là từ dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu Azure, vốn dùng để huấn luyện các mô hình AI trên ChatGPT và Bing.
Vận may của Microsoft
Theo Gil Luria, Giám đốc nghiên cứu của ngân hàng DA Davidson, một tỷ USD đầu tiên rót vào OpenAI là thương vụ khôn ngoan của Microsoft. "Trong tương lai, khi ChatGPT phát triển, OpenAI sẽ phải chi nhiều tiền hơn vào dịch vụ cơ sở hạ tầng của Mircosoft. Điều này đảm bảo một nguồn thu ổn định cho hãng", Luria nói với Business Insider.
Khoản đầu tư mới khiến Microsoft đang đóng vai "đại lý độc quyền" trong việc khai thác các bước tiến của OpenAI. Tập đoàn được đánh giá đang gặp vận may về AI, lĩnh vực họ vốn chưa tạo được nhiều dấu ấn. Trước đó, hãng đã rút trợ lý Clippy khỏi Word, Cortana khỏi thanh tác vụ Windows hay chatbot Tay khỏi Twitter.
Tuy nhiên, chatbot AI trên Bing hoạt động không mượt mà như kỳ vọng khi vẫn đưa ra câu trả lời thiếu chính xác. May mắn của Microsoft là đối thủ Google Bard AI cũng chưa thể hiện sự nổi trội. Những trục trặc ban đầu không ngăn cản được sự ủng hộ nhiệt thành của giới công nghệ đối với mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) này. OpenAI cho biết Microsoft đang có giấy phép độc quyền với GPT-4 và nhiều mô hình AI khác của công ty.
"Được ăn cả ngã về không"
Microsoft đang được hưởng lợi từ những sản phẩm của OpenAI. Tuy nhiên, lợi nhuận trực tiếp startup này mới chỉ là dự tính trong tương lai. OpenAI vẫn đang trong giai đoạn "đốt tiền". Khoản 13 tỷ USD cũng không đảm bảo Microsoft sẽ chiến thắng trong cuộc đua AI về lâu dài.
Quinn Slack, CEO startup tìm kiếm Sourcegraph, nói: "Suy nghĩ Microsoft - nhà đầu tư lớn nhất của OpenAI - đang sở hữu hoàn toàn công ty là sai lầm. Startup này không nghe theo lời chỉ đạo của Microsoft". Ông cho rằng OpenAI chỉ coi Microsoft là một khách hàng lớn, nhưng không phải người kiểm soát.
Điều này thể hiện trong thỏa thuận về quyền lợi với các nhà đầu tư. Năm 2015, OpenAI được thành lập như một tổ chức phi lợi nhuận. Cấu trúc này thay đổi vào năm 2019 khi các nhà sáng lập quyết định thành lập nhánh OpenAI LP với "lợi nhuận có giới hạn", trong đó lợi nhuận sẽ được tái phân bổ cho hoạt động nghiên cứu, thay vì chia hết cho nhà đầu tư. Có nghĩa, Microsoft khó kiếm được mức lời gấp hàng trăm lần số tiền mình rót vào.
Đây là mô hình khá mới mẻ ở Thung lũng Silicon, nơi nhà đầu tư luôn đặt ưu tiên tối đa hóa lợi nhuận. Trong khi đó, Greg Brockman, đồng sáng lập OpenAI, tin việc công ty thành công có thể "tạo ra các đơn hàng có giá trị lớn hơn bất kỳ công ty nào".
Ngoài các mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI, thị trường đang có sẵn nhiều nền tảng khác. Tháng trước, Google cấp phép cho một số nhà phát triển quyền truy cập sớm vào PaLM. Các công ty khởi nghiệp đáng chú ý khác như AI21 Labs, Aleph Alpha và Cohere cũng đã có mô hình LLM riêng. Một số nền tảng như Anthropic chọn dịch vụ đám mây của Google thay vì của Microsoft.
Bên cạnh đó, OpenAI cũng đang đối mặt với nhiều hoài nghi. Cuối tháng trước, Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo và Chính sách Kỹ thuật số CAIDP đã kêu gọi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ ngăn OpenAI phát hành bản mới của GPT-4. Họ cho rằng siêu AI này có thiên hướng "thiên vị, lừa đảo và có rủi ro đối với quyền riêng tư và an toàn công cộng".
Về phía Microsoft, họ có thể tránh được bất lợi từ cơ quan quản lý vì chỉ là nhà đầu tư, không sở hữu trực tiếp OpenAI. Scott Raney, CEO Redpoint Ventures, cho biết dựa trên định giá hiện tại, OpenAI có thể sẽ có một đợt IPO. Startup này dự kiến tạo ra doanh thu 200 triệu USD năm nay, tăng 150% so với 2022. Dự tính đến 2024, doanh thu có thể cán mốc một tỷ USD, tức tăng trưởng 400%.
Huế Nguyễn (theo CNBC)