Sau thông báo từ chức đầy bất ngờ hôm 10/11, cựu tổng thống Bolivia Evo Morales gọi điện cho Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard để xin tị nạn tại nước này và được chấp thuận. "Sau khi tham khảo ý kiến Bộ trưởng Nội vụ Olga Sanchez Cordero, Bộ Ngoại giao quyết định cấp quyền tị nạn cho ông Morales vì lý do nhân đạo", Ebrard cho hay.
Ngoại trưởng Mexico hôm 12/11 tiếp đón Morales tại sân bay ở thủ đô Mexico City, nơi cựu tổng thống Bolivia gửi lời cảm ơn Mexico vì đã "cứu mạng ông".

Cựu tổng thống Bolivia Evo Morales xuống sân bay ở thủ đô Mexico City, Mexico hôm 12/11. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, Jorge Luis Santa Cruz, giáo sư ngành báo chí tại Đại học Anahuac Mexico cho rằng quyết định cấp tị nạn cho Morales có thể tác động lớn tới cả tình hình chính trị nội bộ cũng như quan hệ quốc tế của Mexico.
Theo Cruz, Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador đã "mở ra một mặt trận khác" trên chính trường Mexico khi "chìa tay" với Morales. Ông đánh giá rằng việc cấp tị nạn cho cựu tổng thống Bolivia không mang lại lợi ích gì cho Obrador, người vốn đang bị phe đối lập chỉ trích gay gắt do một loạt quyết định gây tranh cãi, như việc thả Ovidio Guzman Lopez, con trai trùm ma túy khét tiếng Joaquin Guzman (El Chapo).
"Việc cho phép Morales đến Mexico là một dấu hiệu tái khẳng định lập trường ưu tiên ủng hộ cánh tả của Obrador, làm dấy lên lo ngại không chỉ trong đảng Hành động Quốc gia, đảng theo xu hướng bảo thủ lớn của Mexico, mà còn đối với khối tư nhân và các doanh nhân", Cruz nói thêm.
Học giả Luis Huacuja từ Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM) không đồng ý với quan điểm này, cho rằng chính quyền Tổng thống Obrador từ lâu đã bày tỏ "lập trường vững chắc chống lại các cuộc đảo chính", trong khi họ cho rằng những gì vừa xảy ra ở Bolivia "rõ ràng là một cuộc đảo chính".
Theo ông, việc Tổng thống Obrador cho phép Morales tị nạn không đi ngược lại cam kết không can thiệp công việc nội bộ nước khác của ông. "Ngược lại, nó thể hiện lập trường nhất quán của chính phủ Mexico trong chính sách đối ngoại, đó là không can thiệp và bảo vệ nhân quyền, dù đôi khi việc kết hợp cả hai yếu tố là rất khó", Huacuja nói.
Học giả này cho rằng quyết định dang tay với Morales là hệ quả của "một tình huống khác thường", sau khi Mexico cho rằng một cuộc can thiệp bằng quân sự đã diễn ra ở Bolivia. "Đó là thực tế sờ sờ, không thể chối cãi", ông nói.
Ngoài vấn đề nội bộ, giáo sư Cruz nhận định việc cấp tị nạn cho cựu tổng thống Bolivia có thể ảnh hưởng lớn tới quan hệ Mexico - Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh chiến dịch tái tranh cử của mình với những thông điệp chống cánh tả.
"Cho phép Morales tị nạn rõ ràng đồng nghĩa với thách thức Tổng thống Mỹ. Để gây áp lực với Mexico, Trump có thể trì hoãn việc phê chuẩn hiệp định thương mại tự do T-MEC (hay còn gọi là USMCA) giữa hai nước với Canada, hoặc áp thêm thuế với hàng nhập khẩu Mexico", chuyên gia nêu ý kiến, lưu ý thêm về "mối đe dọa từ bức tường biên giới".
Mexico trong khi đó lại tỏ ra không mấy lo ngại về nguy cơ này. Trong buổi họp báo hôm 12/11, Ngoại trưởng Ebrard cho biết Mỹ có thể không đồng tình với quyết định của Mexico, nhưng sẽ tôn trọng nó.
"Mối quan hệ với Mỹ đang ở thời điểm tốt nhất trong những năm gần đây. Tôi cho rằng sẽ không có bất cứ khiếu nại nào về quan điểm của Mexico trong vấn đề này", ông trả lời khi được hỏi liệu việc cấp tị nạn cho Morales có gây căng thẳng với chính quyền Trump hay không.
Ebrard cũng cho biết hiệp định T-MEC thuộc về lĩnh vực thương mại, hoàn toàn không liên quan đến quyết định cấp tị nạn cho Morales, nói thêm rằng điều này không ảnh hưởng tới quá trình phê chuẩn hiệp định. Học giả Huacuja cũng đồng tình với quan điểm này, nhận định Mexico không nhất thiết phải có cùng lập trường với Mỹ, như trong quan hệ với Cuba.
Ngoại trưởng Ebrard còn chỉ trích quyết liệt Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) vì sự im lặng của họ khi quân đội Bolivia yêu cầu Morales từ chức. Trước đó, một ủy ban giám sát bầu cử của OAS tuyên bố kết quả kiểm phiếu hôm 20/10 tại Bolivia "không phù hợp" và khuyến cáo nước này tổ chức vòng bầu cử thứ hai. Tuy nhiên, Morales cho rằng đây là âm mưu "đảo chính" chống lại nền dân chủ.
Việc cấp tị nạn cho Morales cũng như những lời chỉ trích OAS được cho là thể hiện bước chuyển biến mạnh mẽ của Mexico, quốc gia từng cam kết giữ quan điểm trung lập trong các vấn đề. Cùng với những gì diễn ra trong cuộc bầu cử tại Bolivia hồi tháng 10, diễn biến này một lần nữa cho thấy sự thiếu đoàn kết và tin tưởng giữa các thành viên OAS, giáo sư Cruz đánh giá.
Ánh Ngọc (Theo Sputnik, Bloomberg)