Metro Bến Thành - Suối Tiên, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP HCM được đưa vào vận hành gần hai tuần, sau 12 năm thi công với vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng.
Metro là một trong những phương tiện giao thông công cộng phổ biến, mạch nối luân chuyển của kinh tế tại nhiều quốc gia. Đây cũng là loại hình vận tải giảm phát thải hiệu quả nhất, theo nhóm tác giả của Ngân hàng Thế giới (WB).
Báo cáo "Tàu điện ngầm và phát thải CO2: Phân tích toàn cầu từ dữ liệu vệ tinh" công bố đầu năm 2024 cho biết 192 thành phố có tàu điện ngầm - một loại metro chạy dưới lòng đất - giảm được 51,2% khí CO2 so với kịch bản không có phương tiện này.
Khảo sát gần 1.500 thành phố quy mô dân số trên 500.000 người tại 113 quốc gia, gồm Việt Nam, nhóm tác giả từ WB tính toán hiệu quả giảm phát thải nói trên đồng nghĩa với lượng khí CO2 toàn cầu giảm gần 12%.
Tại nhiều thành phố, metro giúp giảm phát thải đáng kể. Với Brazil, các tuyến đường sắt đô thị tại thành phố Rio de Janeiro giúp giảm tới hơn 17.700 tấn khí CO2 tương đương trong giai đoạn 2009 – 2022, tức giảm 89% so với kịch bản không có metro. Tuyến metro số 5 tại São Paulo giúp giảm gần 3 triệu tấn CO2.
Nhật Bản, nước đứng thứ ba khu vực châu Á – Thái Bình Dương về phát thải từ đốt nhiên liệu (sau Trung Quốc và Ấn Độ), đã nỗ lực giảm 14% lượng phát thải trong giai đoạn 2000-2022. Một số giải pháp được áp dụng là giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tăng dùng phương tiện công cộng, gồm metro.
Tokyo Metro – công ty quản lý 195 km đường sắt ở thủ đô Nhật Bản – cho biết giảm được 1,77 triệu tấn CO2 trong năm tài chính 2022. Mức này được tính dựa trên dữ liệu khách hàng, tương ứng với 3% phát thải của Tokyo. "Chúng tôi muốn khuyến khích khách hàng nhận ra rằng họ có thể chọn lối sống thân thiện với môi trường hơn", ông Akiyoshi Yamamura – Chủ tịch Tokyo Metro – nói trong báo cáo phát triển bền vững 2024 của công ty.
Tính phát thải theo phương tiện trên mỗi km di chuyển của khách hàng, lượng khí thải đường sắt nói chung chỉ bằng một phần năm của ngành hàng không. Với tàu điện, lượng khí thải trực tiếp thậm chí bằng 0.
Một quốc gia nổi bật trong phát triển đường sắt là Ấn Độ, nơi metro được coi như phương tiện cách mạng hóa giao thông đô thị. Được vận hành từ năm 2002 với mục tiêu ban đầu là giảm tải cho thành phố, tàu điện ở thủ đô Dehli đã trở thành hệ thống metro đầu tiên trên thế giới được cấp chứng chỉ carbon, góp phần vào mục tiêu Net Zero của nước này đến năm 2070.
"Rất nhiều hành khách thích tàu điện ngầm hơn phương tiện cá nhân của họ", ông Anuj Dayal, Giám đốc truyền thông Công ty Tàu điện Delhi (DMRC), viết trên tạp chí chuyên ngành đường sắt Global Railway.
Không chỉ tạo tác động về môi trường, các tuyến metro cũng được cho là thúc đẩy đáng kể nền kinh tế. Tại Bangladesh, tờ Business Standard của nước này tính toán nếu hơn 22 triệu cư dân thủ đô Dhaka di chuyển bằng metro thì số tiền tiết kiệm được (thay vì sử dụng phương tiện khác) là hơn 73,5 triệu Taka (tương ứng hơn 616 triệu USD). Tính trên cả nước, các tuyến metro có thể tiết kiệm tới 2,4 tỷ USD, tương đương 1,5% GDP quốc gia.
Bên cạnh đó, nếu hệ thống metro được đông đảo người dân ủng hộ, đồng nghĩa với việc giảm thiểu phương tiện cá nhân, Bangladesh có thể tiết kiệm được 2,6 tỷ USD nhờ giảm tình trạng tắc đường.
Ngoài việc phát triển phương tiện công cộng như bus và metro, nhằm hướng tới lộ trình khử carbon toàn ngành giao thông, các vấn đề khác cần tập trung là năng lượng sạch và chuyển đổi sang xe điện.
Khí thải carbon từ giao thông tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 1970-2018, dự kiến gấp đôi một lần nữa vào năm 2070, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Năm 2022, ngành giao thông toàn cầu thải 8 tỷ tấn CO2, tăng mạnh do phục hồi hậu đại dịch. Phát triển đường sắt đô thị trở thành chiến lược hứa hẹn nhằm giảm khí thải, hướng tới mục tiêu Net Zero của toàn ngành vào năm 2050.
Bảo Bảo (theo The Business Standard, Global Railway, China Daily)