Họp là một trong các cách thức để giải quyết công việc trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Qua đó, người đứng đầu hoặc tập thể lãnh đạo thực hiện sự lãnh đạo, quản lý, điều hành và giải quyết các nhiệm vụ, công việc thuộc chức năng, thẩm quyền của cơ quan mình theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ của tổ chức. Nhưng nếu bị lạm dụng, thì họp sẽ trở thành một "gánh nặng", mang tính hình thức, gây lãng phí về thời gian, nhân lực, tiền bạc...
Nhiều người đi làm sợ nhất phải đi họp vì họp kéo dài thông trưa hoặc họp đến 19h-20h nhiều lần mà vẫn không giải quyết được công việc. Tôi cho rằng cần có giải pháp mạnh để xóa bớt đi những cuộc họp vô bổ, tốn kém về thời gian, tiền bạc. Vậy làm cách nào để họp ít đi nhưng công việc vẫn được giải quyết suôn sẻ, thuận lợi?
Suốt 21 năm công tác trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tôi đã tham gia không biết bao nhiêu cuộc họp. Bên cạnh những cuộc họp thực sự cần thiết và hiệu quả trong việc tổ chức triển khai nhiệm vụ thì hiện còn nhiều cuộc họp vô bổ.
Trung bình một tuần cơ quan có khoảng 25-35 cuộc họp. Một số người có tên trong thành phần đi họp có khi cả ngày phải đi họp 2-3 cuộc, không có thời gian ngồi làm việc, toàn bộ công việc cần giải quyết trong ngày đều phải mang về nhà làm buổi tối và cuối tuần, lãng phí về thời gian, sức lực của nhân viên và tiền của.
Nhân viên ai cũng cảm thấy chán chường vì phải đi họp. Nếu có tên trong thành phần đi họp ở lịch tuần của cơ quan ngay từ đầu thì không có ý kiến. Nhưng đôi khi không hề có tên trong thành phần cuộc họp, thành phần họp chỉ có các trưởng phó đơn vị nhưng lãnh đạo đơn vị cứ chỉ đạo nhân viên phải đi họp cùng lãnh đạo, làm nhân viên bị rơi vào tình huống khó xử.
Đi họp khi không có thành phần là không đúng. Lãnh đạo các đơn vị khác sẽ có ý kiến tại sao người này không có tên trong thành phần họp mà lại đến dự. Hơn nữa, nếu nhân viên cũng phải đi họp như lãnh đạo thì lấy ai làm việc trực tiếp? đi họp là nhiệm vụ của lãnh đạo để về triển khai cho nhân viên thực hiện.
Nhưng bắt nhân viên cũng phải đi họp và tự báo cáo công việc trong cuộc họp thì vai trò của trưởng, phó đơn vị ở đâu? Mỗi khi thủ trưởng cơ quan chỉ đạo họp với các trưởng, phó đơn vị để nắm bắt công việc thì trưởng, phó đơn vị lại không nắm chắc công việc của đơn vị mình, luôn phải đính kèm nhân viên đi họp cùng để nhân viên báo cáo hộ mình.
Cách làm này vô tình sẽ làm cho vai trò của trưởng, phó đơn vị bị mờ nhạt đi trong mắt của cấp dưới. Vấn đề mấu chốt nhất là họp triền miên nhưng sau nhiều năm không thấy thay đổi gì đáng kể.
Tôi chỉ làm nhân viên ít phải đi họp còn thấy không thích đi họp. Huống chi những người làm lãnh đạo, quản lý có lịch họp liên tục trong tuần, thậm chí ngày nào cũng có lịch đi họp. Nếu chỉ đi họp không phải làm công việc gì thì còn đỡ, họp xong mà về phải làm biên bản họp hoặc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao trong cuộc họp thì mới thấy mệt mỏi.
Trước thực trạng nhiều người sợ đi họp, tìm lý do trốn họp nhiều như hiện nay, tôi nghĩ rằng những người làm lãnh đạo, quản lý nên xây dựng một số quy tắc để giảm bớt số lượng cuộc họp và phải làm sao cho nhân viên cảm thấy vui vẻ, hào hứng, phấn khởi khi được đi họp.
Đã đến lúc bạn không nên lãng phí thời gian của mình vào những buổi họp nhàm chán và phát huy vai trò hiệu quả của các buổi họp. Một cuộc họp hiệu quả không chỉ giải quyết được mục tiêu của cuộc họp, mà nó còn khiến những người tham gia cảm thấy hào hứng với cuộc họp. Điều này phụ thuộc vào nghệ thuật quản lý của bạn.
Xin đừng để "họp" biến thành "hành" sếp ơi.
Vũ Thị Minh Huyền
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.