Hình ảnh của Melinda French Gates lâu nay gắn liền với Bill Gates, người đồng sáng lập tập đoàn công nghệ Microsoft và luôn có mặt trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, cặp vợ chồng nổi tiếng hôm 3/5 thông báo ly hôn sau 27 năm chung sống.
Trong các bài viết được đăng đồng thời lên Twitter, hai người cho biết sẽ tiếp tục cùng điều hành Quỹ Bill và Melinda Gates, được thành lập năm 2000, tập trung vào lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, giáo dục, biến đổi khí hậu. Theo số liệu tài chính mới nhất được công bố, kết thúc năm 2019, Quỹ Bill và Melinda Gates có tài sản ròng 43,3 tỷ USD.
Tại quỹ từ thiện này, bà Melinda thường xuyên dẫn đầu trong những nỗ lực thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ, khía cạnh mà một số chuyên gia trong ngành đánh giá bà có thể mở rộng khả năng đóng góp của mình.
Các vấn đề về phụ nữ luôn là một phần trong hoạt động của Quỹ Bill và Melinda Gates. Tuy nhiên, tổ chức nổi tiếng nhất với những sáng kiến hướng đến chăm sóc sức khỏe toàn cầu, gần đây là nỗ lực chấm dứt đại dịch Covid-19, với các khoản hỗ trợ những nhà sản xuất vaccine, xét nghiệm chẩn đoán và phương pháp điều trị tiềm năng.
Theo bình luận viên Jay Greene của Washington Post, "cái bóng" của Bill Gates lâu nay đã bao trùm tổ chức. Khi Bill chuyển hướng tập trung sang mảng từ thiện khoảng 20 năm trước, ông cũng thu hút sự chú ý và gây ảnh hưởng vượt khỏi phạm vi các lĩnh vực quỹ hoạt động, nhờ khối tài sản đồ sộ của mình.
Trong khi đó, Melinda nhiều năm qua dường như tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của chồng. Trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal hồi năm 2006, thời điểm vai trò tại quỹ từ thiện của Melinda bắt đầu được công chúng chú ý hơn, bà cho biết dư luận đã lầm tưởng rằng quỹ hoàn toàn chỉ có Bill.
Trên thực tế, Melinda hoạt động khá tích cực. Bà từng phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 2010 về giảm đói nghèo và phòng chống HIV. Năm 2012, bà tiếp tục có buổi thuyết trình đáng chú ý tại diễn đàn TED về việc trao quyền kiểm soát sinh sản trên toàn cầu. Melinda còn xuất bản cuốn sách "Khoảnh khắc Nâng tầm" năm 2019, viết về vấn đề trao quyền cho phụ nữ để xoa dịu những nỗi đau khổ trên toàn cầu.
Trong cuộc phỏng vấn hai năm trước, Melinda cho biết bà đã được tiếp thêm động lực làm từ thiện sau khi gặp những bé gái tảo hôn và nạn nhân bị lạm dụng. "Tôi phải để cho trái tim mình tan vỡ, bởi nó giúp truyền nhiệt huyết công việc", bà nói.
Trong thông báo sau khi Bill và Melinda tuyên bố ly hôn, Quỹ Bill và Melinda Gates cho biết hai người vẫn sẽ là đồng chủ tịch và người được ủy thác của tổ chức. "Họ sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để định hình và phê duyệt các chiến lược, ủng hộ những vấn đề quỹ theo đuổi, đồng thời đặt ra định hướng chung của tổ chức", thông báo của quỹ từ thiện có đoạn.
Sau khi thủ tục ly hôn hoàn tất, Melinda được cho là sẽ sở hữu khối tài sản riêng đáng kể và trở thành một trong những người phụ nữ giàu nhất thế giới, đồng thời được quyền tự do sử dụng số tiền này.
"Melinda có thể hướng đến một số lĩnh vực mà bà ấy muốn theo đuổi riêng", Jim Ferris, giám đốc Trung tâm Từ thiện và Chính sách Công thuộc Đại học Nam California, nhận xét. "Sứ mệnh trao quyền cho phụ nữ mà Quỹ Bill và Melinda Gates đang hoạt động là công việc của bà ấy".
Gần đây, Melinda còn thúc giục chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tích cực điều chỉnh dịch vụ chăm sóc trẻ em và chăm sóc dài hạn sao cho hợp lý hơn, bởi việc đảm nhiệm các công việc này khiến phụ nữ thường chịu những gánh nặng bất công, buộc phải hy sinh sự nghiệp cá nhân.
"Giờ đây, khi các trung tâm chăm sóc trẻ em đóng cửa, trường học hoạt động từ xa, các gia đình chăm sóc người bệnh và cha mẹ cao tuổi tại nhà, nhiệm vụ mà trước đây khó có thể xoay xở đã trở nên gần như bất khả thi, đặc biệt đối với những bà mẹ đơn thân, người lao động trong lĩnh vực thiết yếu, hay những người đang làm các công việc lương thấp, thời gian không cố định", Melinda viết trong bài xã luận đăng trên Washington Post hồi tháng 12/2020.
Mặc dù vậy, việc thay đổi ưu tiên tại một quỹ từ thiện khổng lồ dường như là bất khả thi, theo Peter Frumkin, giáo sư chính sách xã hội và thực tiễn tại Đại học Pennsylvania. "Rất khó thay đổi nhanh chóng các định hướng khi tổ chức quá lớn, với những cam kết xuyên suốt nhiều năm đã lan truyền trên toàn thế giới", ông giải thích.
Tom Vander Ark, người điều hành mảng giáo dục của Quỹ Bill và Melinda Gates từ năm 1999 đến 2006, cho biết bà Melinda là người "học hỏi nhanh và vô cùng đồng cảm với người khác". Ban đầu bà không tham gia vạch chiến lược, nhưng sau đó nhanh chóng bắt tay vào việc.
Trong khi Bill vượt trội về tiếp nhận và tổng hợp dữ liệu, Melinda lại dễ dàng xây dựng các mối quan hệ. "Họ có những quan điểm và kỹ năng bù đắp cho nhau", Vander Ark nhận xét.
Bình luận viên Greene chỉ ra một ưu tiên khác trong sự nghiệp của Melinda có thể là công ty đầu tư Pivotal Ventures. Melinda thành lập công ty này vào năm 2015 để đầu tư và "ươm mầm" những doanh nghiệp tập trung vào một số lĩnh vực mà bà quan tâm, bao gồm đổi mới dịch vụ chăm sóc và chế độ nghỉ phép, giải quyết vấn đề bình đẳng chủng tộc, thúc đẩy phụ nữ ứng cử vào các vị trí trong chính quyền.
Tháng 6/2020, Pivotal Ventures đã phát động một cuộc thi với giải thưởng lên đến 40 triệu USD cho những ý tưởng giúp mở rộng quyền và tầm ảnh hưởng của phụ nữ tại Mỹ. MacKenzie Scott, vợ cũ của tỷ phú Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, cũng đóng góp một khoản tài trợ cho cuộc thi này.
Theo Forbes, tài sản của Scott đã tăng lên 58,5 tỷ USD nhờ cổ phiếu của Amazon sau hai năm ly dị Jeff Bezos. Scott năm ngoái tặng gần 6 tỷ USD cho các trường học và tổ chức cam kết bình đẳng giới tính và chủng tộc, cũng như những nơi chịu ảnh hưởng trong đại dịch Covid-19.
Cách tiếp cận của Scott khác với Quỹ Bill và Melinda Gates, nơi thường cố gắng thu hút thêm tài trợ từ các chính phủ hoặc nhóm từ thiện khác, nên đôi khi dẫn đến những tranh cãi về tầm ảnh hưởng quá lớn của gia đình Gates trong việc làm từ thiện.
Megan Francis, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Washington, cho rằng Melinda có thể nối gót Scott trao đi những khoản tài trợ không ràng buộc như vậy. "Melinda có cơ hội thay đổi cuộc chơi", Francis nêu ý kiến.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)