Bill và Melinda Gates, những người đứng đầu quỹ từ thiện được trọng vọng và nhiều quyền lực nhất thế giới, ngày 3/5 thông báo quyết định ly hôn. Tin Bill Gates ly hôn với vợ ập đến như "sét đánh ngang tai" đối với giới hoạt động từ thiện quốc tế với những tổ chức trị giá hàng tỷ USD.
Gia đình Gates có tổng giá trị tài sản hơn 100 tỷ USD và là chủ sở hữu tư nhân diện tích đất nông nghiệp lớn nhất nước Mỹ. Quá trình phân chia khối tài sản này có khả năng nảy sinh phức tạp và thiết lập kỷ lục ly hôn "đắt đỏ" nhất thế giới. Hơn 2 năm trước, nhà sáng lập kiêm CEO Amazon Jeff Bezos, người giàu nhất thế giới, và vợ MacKenzie Scott ly hôn với thỏa thuận phân chia tài sản kỷ lục là 36 tỷ USD.
Không dừng ở câu chuyện tiền nong, vụ ly hôn lần này có khả năng tác động đến các hoạt động từ thiện do hai người điều phối.
Cặp đôi tỷ phú Mỹ đồng sáng lập Quỹ Bill và Melinda Gates vào năm 2000, đầu tư nghiên cứu và vận động chính sách cho nhiều vấn đề toàn cầu từ giáo dục đến bảo vệ môi trường và chống lại bệnh tật toàn cầu.
Qua các báo cáo tài chính thời gian qua, tổng giá trị tài sản của Quỹ Bill và Melinda Gates đạt gần 50 tỷ USD. Trong các năm 2018 và 2019, quỹ chi gần 5 tỷ USD mỗi năm cho tài trợ nghiên cứu và vận động chính sách. Từ năm 1994 đến năm 2018, Bill Gates cùng vợ đã quyên tặng hơn 36 tỷ USD cho tổ chức có trụ sở tại Seattle, bang Washington.
Với tầm nhìn chiến lược và sức ảnh hưởng từ cặp vợ chồng tỷ phú, Quỹ Bill và Melinda Gates được xem là tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới trong gần gần 20 năm qua. Họ khẳng định hình ảnh cặp đôi tỷ phú từ thiện nổi tiếng nhất nước Mỹ, có danh vị cũng như quyền lực đủ lớn để tập hợp sự ủng hộ từ chính phủ nhiều nước, vận động thay đổi chính sách và truyền cảm hứng để nhiều tỷ phú khác đóng góp từ thiện. Vào năm 2020, tỷ phú Warren Buffet còn tặng lại cho quỹ số cổ phiếu trị giá hơn 2 tỷ USD tại công ty Berkshire Hathaway.
Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, Bill Gates trở thành một trong những chuyên gia y tế cộng đồng hàng đầu tại Mỹ với kinh nghiệm đầu tư nghiên cứu giải pháp "tuyệt diệt" nhiều căn bệnh trên thế giới suốt những năm qua. Ông xuất hiện gần như trên mọi kênh truyền thông, nỗ lực gia tăng nhận thức công chúng về mức độ nghiêm trọng của nCoV.
"Bill và Melinda Gates tiên phong mở ra mô hình mới về làm từ thiện trên quy mô lớn. Có lẽ họ là những cá nhân gây tác động lâu dài nhất trong lịch sử mảng hoạt động từ thiện", David Callahan, nhà sáng lập và biên tập viên Inside Philanthropy, trang tin điện tử về hoạt động gây quỹ và từ thiện thế giới, chia sẻ.
Theo Benjamin Soskis, chuyên gia về lịch sử các mô hình từ thiện và là nhà nghiên cứu tại Viện Đô thị (UI) ở Washington, gia đình Gates đã mở ra truyền thống làm từ thiện mới trong giới tỷ phú, khác với những "siêu mạnh thường quân" thế hệ đi trước như gia tộc Carnegie hay Rockefeller.
Ông gọi truyền thống do nhà Gates tiên phong là "mạnh thường quân sống", khi giới nhà giàu Mỹ quyết định đóng góp phần lớn tài sản cho hoạt động từ thiện dù sự nghiệp của họ còn mới khởi đầu hoặc đi được nửa chặng đường.
Vào năm 2010, Bill Gates cùng tỷ phú Warren Buffet còn sáng lập "Cam kết cho đi", vận động giới nhà giàu trên khắp thế giới cam kết quyên tặng tài sản cho những hoạt động công ích và từ thiện. Năm 2015, cam kết bạc tỷ còn có sự tham gia của vợ chồng Mark Zuckerberg, người sáng lập và điều hành mạng xã hội Facebook. MacKenzie Scott sau cuộc ly hôn cũng trở thành cái tên nổi bật trong giới hoạt động từ thiện bạc tỷ của thế giới.
Trong thông báo đêm 3/5, Bill và Melinda Gates khẳng định hai người "tiếp tục cùng làm việc tại quỹ" nhưng không tin rằng có thể đi cùng nhau trong giai đoạn tiếp theo của cuộc đời. Người phát ngôn Quỹ Bill và Melinda Gates trấn an rằng tổ chức từ thiện sẽ không thay đổi cách làm việc. Trên giấy tờ, Bill và Melinda tiếp tục giữ các vị trí đồng chủ tịch và thành viên hội đồng quản trị.
"Họ sẽ tiếp tục hợp tác định hình và thông qua các chiến lược của quỹ, lên tiếng cho những vấn đề của quỹ và quy định đường lối chung trong tổ chức", người phát ngôn cho biết.
Tỷ phú Bill Gates là người sáng lập và điều hành Microsoft nhiều thập niên qua, mãi đến năm 2020 mới rút khỏi hội đồng quản trị tập đoàn. Trong những năm gần đây, ông dành thời gian và sức lực ngày một nhiều cho quỹ từ thiện. Ông vẫn sở hữu khoảng 1,3% cổ phần trong Microsoft và được Forbes thống kê là cá nhân giàu thứ 4 thế giới.
Về phần mình, Melinda Gates đã tham gia trực tiếp vào các hoạt động của Quỹ Gates suốt nhiều năm qua. Ngoài ra, bà còn quan tâm đến các vấn đề phụ nữ toàn cầu và tạo tác động qua quỹ đầu tư riêng Pivotal Ventures.
Câu hỏi đặt ra là liệu cặp đôi có "đi thêm bước nữa" trong sự nghiệp mới và thành lập thêm tổ chức hoạt động từ thiện ngoài Quỹ Gates hay không. "Vẫn còn rất nhiều tiền chưa được đụng đến. Chỉ cần một phần trong đó là đủ cho Melinda mở một tổ chức từ thiện riêng với quy mô lớn", Callahan nhận định.
Trung Ngân (Theo Vox/MSNBC/Reuters)