"Chăm ơi, lại đây nào con", tiếng chị Trần Thị Ngọc (46 tuổi) vừa dứt, con sư tử gần 200 kg chậm rãi tới gần, thò mũi khịt khịt rồi dụi đầu vào những ngón tay chị qua tấm lưới. Người phụ nữ 20 năm gắn bó với Tổ Thú dữ, Vườn thú Hà Nội vừa ve vuốt cằm con vật, vừa nói: "Mấy ngày nay bạn đang lạ chuồng mới, động tác như vậy là muốn được âu yếm đấy".
Chăm là con sư tử đực mà chị Ngọc cùng nhiều nhân viên trong tổ nuôi bộ từ ngày 4/1/2018, khi mới lọt lòng mẹ. Khi ấy, mọi người thay phiên nhau để túc trực 24/24, để cứ cách 2-3 tiếng cho sư tử ăn một lần, sau đó theo dõi sức khỏe, biểu hiện. Họ cũng ngày ngày bế ẵm, chơi đùa và kích thích để nó đi vệ sinh như một em bé.
Từ những ngày đầu tiên chỉ ăn được 30 ml sữa rồi tăng lên 200 ml mỗi lần, Chăm bắt đầu được "mẹ nuôi" tập cho ăn dặm bằng thịt băm, thịt thái nhỏ. 4 tháng, khi con vật cứng cáp có thể tự ăn, nó được thả ra chuồng lớn. Chị Ngọc còn nhớ, những ngày đầu tiên bị tách biệt hoàn toàn với nhân viên chăm sóc, Chăm bồn chồn, chân cào cào lên cửa đòi ra rồi ủ rũ, nằm trên phản và bỏ ăn.
"Khi ấy vẫn biết là nó được ra chuồng mới rộng rãi hơn nhưng mình vẫn thấy nhớ, thấy thương lắm vì đã gắn bó lâu và có tình cảm như vậy", chị Ngọc vừa nói, vừa lấy tay kéo tấm chắn, đặt tảng thịt bò vào cho sư tử ăn. Bây giờ, mỗi bữa con vật ăn được 2,5 kg thịt bò, 2,2 kg thịt gà và 1 kg sườn. Nhiều lần đến bữa, quan sát thấy Chăm thích ăn gà hơn, lần sau chị Ngọc cho ăn bò trước để nó không bỏ thừa, như vậy mới đảm bảo khẩu phần ăn và tăng cân đủ.
Dù vườn thú đang dừng đón khách để phòng chống Covid-19, những nhân viên chăm nuôi như chị Ngọc vẫn đến đây từ 8h sáng, dọn vệ sinh, khử trùng chuồng cho hổ, sư tử, gấu. Chị theo dõi biểu hiện của chúng, để nắm bắt được tình trạng sức khỏe, tinh thần. Trời nóng, vì "xót" thú, tổ chăm sóc mua đá đặt trước những chiếc quạt ở cửa chuồng và làm ướt sàn để giúp giảm nhiệt độ. Gần trưa, họ lại gọi những con vật vào chuồng, để chúng tránh cái nắng gay gắt từ 11h đến 15h.
Ngoài Chăm, những con vật ở đây đều được chị Hà Thu Phương, Giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi động vật số 1, đặt tên. Những cái tên được đặt theo nguồn gốc hoặc tính cách, đặc điểm của những con vật như Nam là sư tử đực từ Nam Phi, Bống và Bi là hổ non được cứu hộ, chuyển về từ Vườn quốc gia Cúc Phương.
28 năm gắn bó với vườn thú, chị Phương ví nghề chăm nuôi thú như nuôi con nhỏ. Còn những nhân viên tận tâm như chị Ngọc, anh Phúc (tổ trưởng) đều là những ông bố, bà mẹ có thể nhận ra mọi vấn đề của "con" bằng quan sát, cảm nhận. Họ nhớ từng con vật thích ăn bò, gà, xương hay những yêu cầu đặc biệt của chúng như thịt phải thái, xương phải chặt khúc. Có những ngày thú ăn kém, họ phải thái nhỏ thịt, xiên que để bón từng miếng cho chúng ăn hết phần.
Chị nhớ ngày hổ non Bống, Bi về với vườn thú khi 4 tháng tuổi, chúng giống như trẻ con chưa được chăm sóc đúng cách và không ra ngoài vận động. Chân chúng lết chứ không đi lại được, do xương yếu và giòn, thậm chí Bi còn bị gãy chân.
Khi ấy, các nhân viên trong tổ, cùng bác sĩ thú y hàng ngày đưa chúng ra tắm nắng, tập vận động và bổ sung thêm vitamin trong các bữa ăn. Những tấm phản để con vật nằm cũng được thay loại thấp hơn, để tránh gãy chân trong lúc đùa nghịch. Đến nay, hai con hổ được 17 tháng tuổi, ăn được thịt sống và khỏe mạnh, có thể chạy nhảy bình thường.
"Dường như thú dữ cũng có tình cảm, nên chỉ cần nghe tiếng gọi hoặc thấy người chăm sóc từ xa, chúng sẽ chạy lại dần, dụi tay hoặc chồm lên cửa", chị Phương nói về những niềm vui nhỏ trong công việc.
Vườn thú Hà Nội hay Công viên Thủ Lệ hiện là nơi sinh sống của hơn 600 cá thể, thuộc 88 loài động vật. Trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm, nằm trong danh mục Sách Đỏ Việt Nam như Vượn đen má trắng, Hổ Đông Dương, Voi Châu Á... Trong đó Xí nghiệp Chăn nuôi và phát triển động vật với hơn 80 cán bộ đang làm việc là nơi trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và nhân giống các loài động vật.
Lan Hương