VNExpress

Thứ tư, 11/12/2024
Chọn địa danh
Thứ hai, 19/4/2021, 02:08 (GMT+7)

'Nữ hoàng linh trưởng' trong rừng hoa vàng

Đà NẵngSơn Trà rực vàng mùa hoa lim xẹt nở, thu hút đàn voọc chà vá chân nâu chuyền cành đi kiếm ăn.

Khu vực bán đảo Sơn Trà, gần mũi Tiên Sa là nơi có hàng cây lim xẹt lâu năm, mỗi cây cao trung bình 9 -10 m. Tháng 4 mùa hoa nở, góc rừng như được nhuộm vàng, khoe sắc dưới nền trời xanh.

Lim xẹt là cây thân gỗ, thường được trồng để tạo cảnh quan đô thị, chủ yếu ở vùng miền Trung và Nam Bộ.

Đây cũng là dịp để các nhiếp ảnh gia yêu thiên nhiên "săn ảnh". Khu vực đường bê tông trên núi với hệ thống thang dây thiết kế dành riêng cho voọc di chuyển qua là điểm thu hút nhiếp ảnh gia.

Nhóm nhiếp ảnh gia Võ Rin, Hà Vũ Linh và Nguyễn Thùy Linh tới đây vào 15h ngày 7/4. Một tiếng sau thì đàn voọc 9 con xuất hiện, chúng ăn búp hoa vàng và lần lượt di chuyển ngang qua thang dây. Bức ảnh trên do tác giả Nguyễn Thùy Linh (1991) thực hiện.

Bán đảo Sơn Trà có hệ sinh thái rừng đa dạng, gần 1.000 loài thực vật, trong đó có 22 loài thực vật quý hiếm. Đây còn là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật, đặc biệt là voọc chà vá chân nâu.

Hà Vũ Linh (sinh năm 1993) cho biết, anh bị ấn tượng bởi vẻ đẹp thiên nhiên Sơn Trà, với hoa vàng khoe sắc trong nắng và khi voọc di chuyển ngang qua thang dây giống như nghệ sĩ xiếc. Voọc Sơn Trà có vẻ quen với sự xuất hiện của con người, tuy nhiên, chúng vẫn cảnh giác.

Cú nhảy chuyền cành của voọc chà vá chân nâu Sơn Trà.

Nhiếp ảnh gia Võ Rin (sinh năm 1983) cho biết sáng sớm và chiều muộn là hai khoảng thời gian thích hợp nhất để canh chụp ảnh voọc.

Voọc chà vá chân nâu còn được mệnh danh là “nữ hoàng linh trưởng” do bộ lông nhiều màu sắc sặc sỡ gồm vàng, nâu hoặc nâu đỏ, cam, xám, đen và trắng. Đỉnh đầu gần trán có vạt lông màu đen, mặt có màu vàng sáng và hai cẳng chân có màu nâu đỏ, con đực trưởng thành dài khoảng 55 - 63 cm, con cái trưởng thành dài 50 - 57cm.

Các nghiên cứu và khảo sát xác định loài chà vá chân nâu chỉ phân bố dọc theo dãy Trường Sơn, trong các vùng rừng giáp ranh giữa phía Nam của Lào và miền Trung Việt Nam, ngoài ra là một phần nhỏ ở Đông Bắc Campuchia.

Voọc chà vá chân nâu là loài đặc hữu quý hiếm và đang trong tình trạng nguy cấp tại Việt Nam. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) xếp chúng vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.

Hiện nay hàng trăm cá thể voọc chà vá chân nâu đang được chính quyền địa phương bảo tồn nghiêm ngặt.

Voọc trên rừng hoa vàng Sơn Trà
 
 

Đàn voọc qua thang và chuyền cành thoăn thoắt. Video: Hà Vũ Linh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net