Cùng chung tình yêu thiên nhiên hoang dã, hơn 200 con người đến từ mọi miền tổ quốc đã về chung về một "mái nhà", nơi 4.200 cá thể động vật hoang dã được gọi là bạn và ghi nhớ từng tên riêng.
Những "bảo mẫu" thầm lặng
Chị Trầm Thu Nhường, 30 tuổi, còn nhớ như in ngày trúng tuyển vào vị trí Chuyên viên chăm sóc động vật (CSĐV) vào đầu tháng 7/2015. Khi ấy, cô sinh viên mới ra trường không giấu nổi hạnh phúc, la lớn khoe với ba mẹ rằng: "Con đậu phỏng vấn rồi, con được nuổi hổ rồi!".
Ngày đầu đi làm xa nhà, đến trước vườn thú khi ấy còn là một bãi đất đỏ, chị không khỏi lo lắng, hoang mang về công việc của mình. Sau 2 tháng được đào tạo cùng các chuyên gia và đồng nghiệp, chị chứng kiến sự lớn lên của vườn thú, chính thức được chào đón lứa động vật đầu tiên: một đàn hươu sao.
Lần tiếp nhận ấn tượng nhất với chị là các bạn chim hồng hạc. Vì lo lắng cho sức khỏe của đàn, do phải vận chuyển đường xa, đội ngũ lãnh đạo, các CSĐV hồi hộp cùng nhau chờ xe trước khu vực bệnh viện thú y, khi xung quanh là đêm tối và chỉ thấy tiếng muỗi kêu. Xe vừa về đến nơi, tất cả chuyên viên nhẹ nhàng đưa 30 hồng hạc về chuồng nghỉ ngơi và kiểm tra sức khỏe từng bạn. Công việc kết thúc lúc 2h sáng, ai cũng thấm mệt nhưng đều rất vui, vì đàn đã an toàn và có sức khỏe tốt.
Sau khi được chuyển về Tổ Thú dữ, "đứa con" mà chị gắn bó lâu nhất là Dậu, sư tử trắng bị mẹ bỏ rơi, phải chuyển ra ngoài để chuyên viên nuôi bộ. Trong suốt 6 tháng đảm nhận chăm sóc sư tử non, không biết bao lần chị lo lắng khi "con" có vấn đề về sức khỏe, không ăn được do lạ sữa. "Khi ấy, mình chăm Dậu còn hơn con mình nữa, vì 2 tiếng bạn lại la lớn đòi ăn một lần, đêm bạn ăn 3 lần sữa. Thấy bạn bú tốt hơn, đi phân đẹp hơn là mình mừng lắm", chị vui vẻ kể lại.
Ở vườn thú, mỗi động vật đều có những đặc điểm, cá tính riêng mà chỉ người chăm sóc hàng ngày mới có thể hiểu hết. Chị Nhường nhớ lứa hổ đầu tiên sinh sản thành công ở đây có tên Phú, Quốc, Hiếu, Thảo. Phú tính cọc cằn, không thích ai lại gần, nên cứ hễ có người lạ nó sẽ chạy theo chuyên viên để trốn. Trái lại Quốc thì thân thiện và hiền hơn.
Với chị Nhường, thú non rất dễ cưng. Nếu ai dành tình thương đặc biệt cho chúng, chúng sẽ quấn quýt và biết theo như những đứa con. Khi thú non đã lớn hơn, dù không còn được tiếp xúc trực tiếp, nhưng chỉ cần chị gọi bằng ký hiệu riêng ngày còn nhỏ, chúng vẫn sẽ nhớ và lại gần.
Ở vườn thú, những "bảo mẫu" sinh hoạt theo thời khóa biểu của hổ, sư tử, tê giác... Niềm vui của họ cũng khác thường, từ hộ sinh cho tê giác thành công cho đến đặt được cho các bạn hổ những cái tên thật ý nghĩa. Từ lâu, câu chuyện họ kể với nhau là gấu ăn hết bao nhiêu túi mật, sư tử nào thích giành chỗ chơi hay bạn hồng hạc nào thường bay sang chuồng khác ăn ké rồi về.
Những "ông bố, bà mẹ" ở đây đều có những kỷ niệm đặc biệt, như lần kangaroo non bị rơi khỏi túi mẹ, được các nhân viên thay nhau địu bên người, để ủ ấm và chăm sóc trước khi đủ điều kiện sức khỏe quay về đàn. Hay nhiều lần, vẹt và khỉ mải chơi trong rừng, các nhân viên mất đến 5 ngày tìm kiếm, mang thức ăn ngon để gọi các bạn về.
Anh Lê Trường Hận, một CSĐV khác, còn nhớ rõ ngày Ura, tê giác con, chào đời vào tháng 8 vừa qua. Do sinh non, Ura không thể đứng và bú mẹ trong suốt 6 tiếng. Để tê giác non không gặp nguy hiểm, anh cùng đồng nghiệp cẩn thận tiếp cận tê giác mẹ hung dữ sau sinh, giúp Ura tập bú thành công. Nhờ cả tình thương và sự gắn bó của các chuyên viên, Ura khỏe mạnh, nhanh chóng đùa nghịch cùng các anh chị Winnie, Cà Phê, Hakuna Matata.
Tự hào mang sứ mệnh kết nối
Bên cạnh 105 chuyên viên chăm sóc động vật, mỗi cá nhân ở safari từ người hướng dẫn, người chăm sóc cảnh quan hay nhân viên sân khấu đều mang theo sứ mệnh, lan tỏa tình yêu động vật hoang dã đến với du khách.
Anh Trần Hoàng Huy, Tổ trưởng Tổ hướng dẫn cho biết, với niềm yêu thích động vật hoang dã, 5 năm trước anh đã quyết định rời TP HCM đến với Phú Quốc xa xôi, để trở thành một thành viên trong gia đình này. Trước khi trở thành nhân viên chính thức, anh được tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã và tìm hiểu về tập tính của chúng trong chính môi trường tự nhiên.
Là người kết nối giữa du khách và động vật, ngoài những kỹ năng thuyết trình, thì sự kiên nhẫn và khéo léo là vô cùng cần thiết. "Động vật cũng giống như chúng ta, có giờ hoạt động, nghỉ ngơi, có khi vui vẻ và mệt mỏi. Vì vậy khi cùng du khách tương tác, chúng tôi sẽ thuyết trình dựa theo hoạt động, giờ giấc của các bạn, để tránh làm các bạn khó chịu, bất ngờ", anh nói.
Sau nhiều năm làm việc, người chăm sóc và hướng dẫn viên chỉ cần nhìn ánh mắt, biểu hiện là có thể biết động vật muốn gì. Có lần, một con vẹt khi đang tương tác với du khách thì bay lên cành đậu, liên tục kêu rồi xà xuống vai người chăm sóc. Một chi tiết như vậy đủ khiến nhân viên nhận ra vẹt không thoải mái, liền xin phép du khách dừng chụp ảnh để đưa về nghỉ ngơi.
Với anh, niềm tự hào lớn nhất trong 5 năm làm việc là góp một phần nhỏ, nâng cao nhận thức của du khách đối với bảo vệ động vật hoang dã. Có rất nhiều du khách, sau khi nghe anh thuyết trình, vô cùng ngạc nhiên khi biết thực chất sừng tê giác không phải là thần dược, giống những gì họ lầm tưởng trước kia.
Nhiều du khách quay lại safari hàng năm, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ, để được nhìn thấy những con vật lớn lên. Với anh, niềm hạnh phúc đơn giản là khi mỗi du khách, mỗi bạn nhỏ trở lại với safari vẫn còn nhận ra chàng hướng dẫn luôn say mê thuyết trình về động vật như lần đầu gặp gỡ.
Hơn 200 nhân viên của vườn thú đều có thâm niên từ 2 đến 5 năm, phần lớn đều là những người trẻ nhiệt đầy nhiệt huyết, rời xa gia đình đến đảo ngọc, làm bạn và chăm sóc hàng nghìn cá thể động vật hoang dã, từ những loài chim nhỏ đến chúa sơn lâm. Công việc có nhiều thử thách và khó khăn, phần lớn các nhân viên thường chỉ về nhà 1 - 2 lần trong năm hoặc không cùng gia đình đón Tết. Nhưng với họ, đó chưa bao giờ là điều thiệt thòi, khi được chứng kiến "những đứa con" luôn khỏe mạnh, lớn lên trong ngôi nhà chung.
Lan Hương