(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tôi đưa cho chị 5 triệu đồng, tiền lương tháng sáu (nửa ca, bốn giờ mỗi ngày) làm tạp vụ cho khách sạn nhà tôi. Gương mặt chị rạng rỡ, cầm bao thư mở ra xem rồi chép miệng: "Đủ để em đi chuộc xe của con về".
Con trai chị, 18 tuổi, học hành dở dang, đi làm bảo vệ cho hết công ty này đến siêu thị kia. Tụ tập, đánh nhau, đua xe, đôn dên, nẹt pô... bị công an giữ xe vài lần, chị đều phải đi nộp phạt, chuộc về.
Chị, đàn bà 50 tuổi, ly hôn, chồng chết, dẫn ba đứa con Nam tiến. Bao năm vất vả khổ nhọc, nuôi con ăn học. Hai con gái lớn đã có gia đình, ở riêng. Chị ở trọ với thằng út. Đứa con trai đích tôn chỉ làm nước mắt mẹ chảy dài năm này qua năm khác, không lo làm ăn, đua đòi quậy phá.
>> 'Nai lưng trả nợ vì vay tiền cho người nhà'
Chính hai chị gái của nó từ mặt, quay sang chì chiết, đổ tội "tại mẹ nuông chiều mà nó hư". Có cái xe gắn máy mua cho nó đi, chị phải chuộc và nộp phạt ba lần, bằng tiền công chị làm tạp vụ cho khách sạn và vài nhà khác, 50 nghìn đồng một giờ.
Lúc nào cũng thấy chị tất bật, vội vàng. Vừa làm xong cho nhà này đã vội chạy sang nhà khác. Chị làm có trách nhiệm, sạch sẽ, các nhà đều tin tưởng giao chìa khoá cho chị làm trước khi ra khỏi nhà. Có ngày tôi thấy chị ăn vội miếng cơm cháy hay tô cháo mua đâu đó ngoài đường rồi lại "chạy sô", tối muộn mới về nhà.
Hai ngày trong tuần, tôi làm bữa trưa cho chị, kèm cằn nhằn: "Bà làm việc nhiều, không lo ăn uống sao đủ sức khoẻ?". Nhìn người đàn bà ngồi ăn cơm, tô mì tôi nấu vội sau những giờ lao động, mặt thư giãn, vui cười hồ hởi kể chuyện nọ chuyện kia. Chị khoe sau mười mấy năm làm tạp vụ, giúp việc nhà theo giờ, dành dụm, chị mới mua được lô đất mấy chục mét vuông ở ngoại thành, đạt ước nguyện sau này có chỗ xây được cái nhà để mẹ con trú ngụ sau nhiều năm ở trọ.
Hôm kia, khi vừa nhận tiền lương tôi đưa, chị có điện thoại. Buông máy chị thở dài: "Thằng con em đang chờ ngoài cửa lấy tiền đi nộp phạt lãnh xe về, 5 triệu chị ạ, bằng đúng tiền em làm cho chị 26 buổi sáng".
>> 'Bạn bè chí cốt là người sòng phẳng tiền bạc'
Tôi đi ra cửa, mặt đằng đằng sát khí sao mà đứa con trai 18 tuổi giả đò ngó lơ nơi khác. Tôi bước lại gần: "Con không biết thương xót mẹ con sao?". Nó cúi đầu rồi ngẩng lên, mắt chớp chớp: "Dạ, lần này nữa thôi cô ạ, con cũng nhục lắm rồi. Công an giữ xe và sỉ vả con, con nhục lắm!".
Tôi thấp giọng: "Ờ, mày biết nhục mà không biết thương mẹ mày. Bả làm lụng vất vả cả nửa tháng, chỉ đủ để nộp phạt xe vi phạm của mày. Mày nhìn mẹ mày đi, con không có chút xót thương nào với người đẻ ra con sao? Thương mẹ nhé, cố gắng sống tử tế cho bả đỡ khổ!". Nó: "Dạ".
Hôm sau chị kể với tôi: "Tối muộn em đi làm về, không nói lời nào vì mệt và buồn quá. Thằng con đi vào ôm mẹ "Mẹ ơi, từ nay mẹ mặc kệ con. Mẹ sống cho mẹ đi, mẹ đừng khổ vì con nữa. Từ nay con không làm gì cho mẹ buồn khổ nữa...".
Có thế mà mắt chị sáng long lanh, nụ cười rạng rỡ, đâu mất vẻ buồn tủi mệt mỏi những ngày qua. Chỉ lời nói của con trai, đã khiến người mẹ như vơi bớt gánh nặng nhọc nhằn mưu sinh vất vả.
>> Bài viết cùng tác giả: Thời 'nhìn đểu cũng bị đâm dao', tôi dặn con một sự nhịn chín sự lành
Chúng ta, đàn bà, tựa vào niềm hy vọng những đứa con lớn lên và trưởng thành. Cho chính các con, không phải cho chúng ta. Nhưng tất cả lẽ sống của chúng ta-đàn bà, chính là con cái.
Các con, hãy biết thương cha mẹ bằng chính sự lớn lên có ý nghĩa của mình. Sự có mặt của các con trong cuộc đời này, sự trưởng thành của các con có tình thương yêu vô bờ bến của cha mẹ, có mồ hôi và cả nước mắt chảy xuôi.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.