Năm 2005, Mignon Francois chuyển đến Nashville, Tennessee, cùng chồng và các con với lời hứa một công việc cho cả hai. Nhưng việc mới của chồng thất bại, gia đình luôn trong cảnh túng thiếu.
Các chi phí hàng ngày như ăn uống và đi lại trở thành một cuộc đấu tranh. Ban ngày Francois không dám bật điện để dành cho các con học bài buổi tối. "Tôi thường đi bộ đến góc đường gần nhà để mua nước đổ đầy bồn tắm cho các con. Mua thực phẩm số lượng lớn để ăn cùng một món mỗi tuần", Francois hồi tưởng.
Những người hàng xóm không biết mức độ khó khăn của gia đình Francois, song họ biết bà mẹ 7 con có tài làm bánh. Một chiều năm 2007, người hàng xóm đến gõ cửa đặt cô làm 600 chiếc bánh nướng nhỏ với giá một USD mỗi chiếc. Vì không có tiền mua nguyên liệu, Francois đề nghị sẽ giao 60 cái trước. Hôm đó, cô đã đầu tư 5 đôla cuối cùng - số tiền cho bữa tối - vào nguyên liệu.
Từ số tiền này, ngày hôm sau bà mẹ 7 con có 60 đôla và thành 600 đôla vào cuối tuần. Cuối năm 2008, Mignon Francois chính thức thành lập công ty. Giai đoạn đó vô cùng khó khăn khi cuộc hôn nhân của cô thất bại, nợ chồng chất. Nhà bị tịch thu vào đúng ngày mở cửa hàng, cả 8 mẹ con suýt vào cảnh vô gia cư. Nhưng từng bước người mẹ kiên cường đã vượt qua được những thách thức.
"Đến nay tôi đã dùng 5 đôla đó để biến thành hơn 5 triệu chiếc bánh nướng được bán ra", bà mẹ, chủ thương hiệu bánh The Cupcake Collection, nằm trong top 10 ở Mỹ, nói.
Từ khi thành lập tới nay, Francois làm từ bánh nướng nhỏ sang bánh sinh nhật, bánh cưới và hiện đạt doanh thu gần một triệu USD mỗi năm.
Nhưng hành trình từ bán bánh tại nhà đến đế chế bánh không hẳn từ 5 USD, mà là nhờ một số chiến lược lập ngân sách cẩn thận. Bà mẹ đơn thân chia sẻ, vì gia đình không có lương cố định, nên không bao giờ biết sẽ có bao nhiêu tiền. Nếu vay ngân hàng sẽ rất dễ bị thấu chi và sa lầy trong nợ nần.
Dựa trên lời khuyên của chuyên gia tài chính cá nhân Dave Ramsey, Francois đã phân bổ tiền cho 4 phong bì gồm chỗ ở, tiện ích, phương tiện đi lại và thực phẩm, trước khi giải quyết các chi phí khác như mua sắm, tiết kiệm. Lợi nhuận bán hàng dùng để đầu tư lại vào nhà bếp.
Giảm chi phí và tiết kiệm tiền đã trở thành chiến lược đối với Francois và các con. Chẳng bao lâu sau, Francois đã có thể giải quyết các khoản vay nợ của mình.
Hành trình thoát nghèo cũng đã thôi thúc người mẹ trở thành một nhà vận động chính sách. Hiện Francois đang giúp những người khác thực hiện các mục tiêu tài chính của họ. Cửa hàng của cô cũng dành học bổng cho sinh viên Đại học Bang Tennessee và giúp đỡ một tổ chức về an ninh lương thực.
Bảo Nhiên (Theo Business Insider)