Ngồi xếp bằng trên chiếc xe lăn điện tự chế giữa hiên nhà ngổn ngang dụng cụ, ông Thành cặm cụi hàn nốt chi tiết cuối cùng của chiếc máy cắt lát tỏi, đặng kịp giao cho khách. Ánh sáng từ mối hàn cùng khói bốc lên, trùm kín cái lưng người đàn ông 55 tuổi, giữa cái nắng chói chang một ngày cuối tháng 4 ở Tân An.
"Thời trẻ tôi làm đủ nghề nhưng nghĩ phải có cái nghề chắc trong tay mới nuôi nổi gia đình nên tự học hàn rồi chế các loại máy móc", ông Thành kể.
Liệt hai chân sau một cơn sốt năm hai tuổi, "cậu bé" Cao Công Thành chỉ có thể học đến lớp 3 - đủ biết đọc, biết viết. Nhà nghèo, từ năm 13 tuổi, Công Thành tự học nghề sửa xe đạp và mở tiệm để giúp cha mẹ. Hơn 10 năm sau, khi một loạt tiệm sửa xe khác cũng mọc lên, tiệm của ông không cạnh tranh nổi. Khách ngày một vắng.
Trong lúc ế khách ngồi không, một lần có người hàng xóm mang chiếc bình xịt thuốc sâu đến nhờ sửa, ông đánh liều nhận luôn. Tháo tung cái bình xịt, ông mò mẫm tìm hiểu nguyên lý hoạt động rồi sửa. Khi đã sửa xong và dùng được, ông thấy chiếc bình bơm hơi yếu, nên nghĩ cách làm để bình phun thuốc mạnh hơn. "Trước cái bình chỉ nén được một ký hơi, tôi chế thêm để nén được hai ký. Mình chậm hơn người ta thì phải cố làm hay hơn khách mới đến", ông Thành cho biết. Từ đó, tiệm sửa xe của ông có thêm dịch vụ sửa nông cụ.
Năm 25 tuổi, ông Thành lấy vợ, sinh con. Nguồn thu từ cửa tiệm không đủ lo cho gia đình, ông đi bán vé số trên chiếc xe lắc. Gọi là đi bán vé số nhưng dọc đường, thấy ai làm cái gì hay hay, ông thường dừng lại xem cho bằng được, hỏi han tỉ mỉ. Trong số đó, ông thích nhất là nghề cơ khí. Tích cóp được ít vốn, ông quyết định mua một chiếc máy hàn về tự học nghề.
"Bán chục tờ vé số lời mười ngàn có khi mất cả buổi. Nếu có nghề hàn, làm 5-10 phút cũng kiếm được 10 ngàn mà khỏi phải nắng mưa", ông tính toán. Vậy là ban ngày đi bán vé số, đêm về ông chong đèn, bật máy lên tập hàn trên những thanh sắt vụn xin được. Hồi đầu không có kính bảo hộ, đôi mắt ông cay xè, sưng húp rồi nước mắt cứ thế chảy suốt đêm.
Đơn hàng đầu tiên khá "khủng" bất ngờ đến với ông: Hàn 1.000 cây trụ trồng thanh long với yêu cầu "xấu đẹp không quan trọng, miễn dính nhau chắc chắn".
Đây là cơ hội vàng bởi lúc làm xong 1.000 cây trụ, tay nghề của ông tiến bộ lên đáng kể. "Khách họ thương mới tạo điều kiện. Tôi phải cố làm chất lượng, nếu làm không đạt mà vẫn lấy tiền thì họ cũng không thể thương tôi mãi", ông tâm sự.
Bén duyên với nghề cơ khí cũng là cơ hội để ông Thành tìm được niềm đam mê thật sự của mình là chế tạo dụng cụ, máy móc giúp ích cho bản thân và bán cho người dân địa phương.
Bốn năm trước, một lần đi uống cà phê, thấy bà chủ quán cầm dao chặt dừa vất vả, ông nảy ra ý tưởng chế tạo dụng cụ để chặt dừa nhanh chóng và ít tốn sức hơn. Hôm đó, ông không về nhà mà đi thẳng đến tiệm, mua vật liệu về làm. Sau gần một tháng nghiên cứu, chặt thử nghiệm gần 200 trái dừa, thay cả chục lưỡi dao, ông Thành mới hoàn thiện sản phẩm. Đến nay, máy chặt dừa thương hiệu "ông Thành" đã bán được hàng trăm chiếc.
Bằng những quan sát cuộc sống thường nhật như thế, ông Thành đã cho ra đời hàng chục loại dụng cụ, máy móc khác nhau. Từ cái máy cắt tỏi cho đến chiếc xe lăn chạy điện cho người khuyết tật, dần dần tiệm hàn nhỏ của ông phát triển thành một xưởng cơ khí có tiếng khắp vùng Tân An.
"Mình rất tự hào về cha, cha có thể làm nghề và có thu nhập như người bình thường", anh Cao Tiến, 30 tuổi, con trai của ông Thành cho biết.
Khi tuổi nhiều lên, đôi tay sau những năm hoạt động quá sức, vừa làm việc, vừa nâng người di chuyển thay cho đôi chân, hai năm nay ông Thành bắt đầu đau khớp. Trong quá trình nằm viện điều trị, ông suy nghĩ về việc chế tạo một chiếc xe cho riêng mình. Thích hình dáng của những chiếc xe đua công thức 1, ông Thành phác thảo khung xe trong đầu. Ra viện, ông bắt tay làm ngay, chẳng cần bản vẽ, ghi chép số liệu. Đầu tiên là khung xe, rồi đến chỗ ngồi, nơi đặt bình điện và thêm các chức năng như mái che, đèn xi nhan, ống pô... Sáu tháng sau, chiếc xe ra đời.
"Người ta khỏe mạnh thì có nhiều lựa chọn, họ lái xe gì cũng được. Tui có tật mà làm ra chiếc xe phù hợp với mình, lái đi chơi được là điều tui tự hào lắm. Thích thì cứ làm, không nản, không bỏ cuộc thì sẽ làm được", ông chia sẻ. Mới đây ông còn "độ" thêm hệ thống nâng cả xe và người quay 180 độ, giúp việc quay đầu xe trở nên đơn giản hơn.
Buổi chiều một ngày cuối tháng tư, trời đổ mưa lớn, ông Thành ngưng việc, vào nhà lấy cây đàn ghi ta. Người đàn ông nhìn vào chiếc kính chiếu hậu trên ghi đông xe, rồi cất tiếng hát, mặc cho cơn mưa đang gõ sầm sập xuống mái tôn.
"Tui gắn cái gương này để lâu lâu nhìn coi 'dung nhan' mình ra sao. Nhìn lại, mình có cái nghề để nuôi mình, nuôi con là may mắn và hạnh phúc nhất rồi", ông nói rồi cười.
Diệp Phan