Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm 14/1 cho biết nước này sẽ chuyển cho Ukraine 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 trong vài tuần tới, tiếp theo là 30 pháo tự hành AS-90. Quyết định này biến Anh thành cường quốc phương Tây đầu tiên công khai chuyển xe tăng chiến đấu chủ lực chuẩn NATO cho Ukraine.
Một số chuyên gia phương Tây cho rằng Challenger 2 có nhiều ưu thế trước phần lớn xe tăng chủ lực đang được Nga triển khai trên chiến trường và có thể giúp Ukraine tung những "cú đấm thép" uy lực nhằm vào lực lượng thiết giáp đối phương.
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Ukraine đang chuẩn bị cho chiến dịch phản công vào mùa xuân. Hỏa lực và độ cơ động của xe tăng Challenger 2 được coi là yếu tố quan trọng để quân đội Ukraine tiến hành các mũi thọc sâu, xuyên phá phòng tuyến và chia cắt lực lượng Nga.
Tăng chủ lực Challenger 2 được Anh phát triển từ cuối những năm 1980, trang bị pháo chính cỡ nòng 120 mm, súng máy đồng trục và súng máy 7,62 mm trên tháp pháo. Đây là dòng xe tăng duy nhất của NATO sử dụng nòng pháo có rãnh khương tuyến, do quân đội Anh ưu tiên sử dụng đạn nổ mạnh đầu dẻo (HESH) thay vì đạn thanh xuyên tách vỏ dưới cỡ (APFSDS) phổ biến với pháo nòng trơn.
Đạn HESH có tầm bắn vượt trội so với APFSDS, đạt hiệu quả cao khi đối phó với công trình kiên cố hoặc phương tiện có giáp mỏng như xe chiến đấu bộ binh đối phương. Tuy nhiên, khả năng xuyên phá của nó thua kém đạn động năng và gần như vô hiệu trước các loại giáp phức hợp trên xe tăng chủ lực hiện đại.
Justim Crump, cựu lính xe tăng Anh và hiện là giám đốc điều hành công ty đánh giá rủi ro Sibylline, cho rằng ưu thế của Challenger 2 chính là hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, cho phép tiêu diệt nhiều mục tiêu với độ chính xác cao trong bán kính hai km.
Trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, một xe tăng Challenger của Anh đã lập kỷ lục về tầm bắn khi hạ gục xe tăng Iraq ở khoảng cách hơn 4,8 km.
Mẫu xe tăng này nặng 62,5 tấn, trang bị động cơ diesel V-12 có công suất hơn 1.200 mã lực, giúp nó đạt tốc độ tối đa 59 km/h trên đường bằng và 40 km/h khi vượt địa hình. "Chúng được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ mà quân đội Ukraine cần ở một mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực", Crump nói, thêm rằng Challenger 2 "dễ dàng áp đảo xe tăng T-72 của Nga".
Tháp pháo Challenger 2 trang bị giáp phức hợp Chobham, có khả năng chống chịu nhiều loại vũ khí chống tăng hiện đại. Chuyên gia Crump nói rằng giáp Chobham có thể chịu được một phát bắn trực diện từ pháo 125 mm trên xe tăng T-72 Nga, nhưng không cho biết chủng loại đạn và tầm giao chiến.
Cấu tạo cũng như khả năng thực sự của giáp Chobham vẫn còn là thông tin tuyệt mật. Loại giáp này đã thể hiện khả năng phòng vệ hiệu quả và trở nên nổi tiếng trong các cuộc chiến tại Trung Đông.
Tuy nhiên, một nhóm phiến quân Iraq hồi tháng 8/2006 gây chấn động khi sử dụng súng chống tăng vác vai RPG-29 bắn hạ một chiếc xe tăng Challenger 2 của quân đội Anh, khiến cả tổ lái 4 người đều bị thương, trong đó lái xe bị mất cả bàn chân. Điều may mắn duy nhất là các quả đạn pháo trong xe không bị kích nổ.
Trên thực tế, không phải toàn bộ mặt trước của tăng Challenger 2 đều được bọc giáp Chobham. Loại giáp này có khối lượng rất lớn, khiến nhà sản xuất không thể bọc lớp giáp có độ dày đồng nhất ở toàn bộ mặt trước xe tăng, mà phải ưu tiên những bộ phận dễ bị trúng đạn nhất.
Đối với Challenger 2, nhà thiết kế ưu tiên gắn giáp dày nhất ở khu vực tháp pháo, nơi dễ bị trúng đạn nhất theo học thuyết quân sự của Anh. Phần thân xe được trang bị giáp mỏng hơn, chỉ được được gia cố bằng giáp phản ứng nổ (ERA) để đối đầu với chiến tranh du kích trong đô thị.
Challenger 2 tham gia nhiều trận chiến ở Trung Đông, nhưng dường như chưa từng đối mặt với lực lượng chiếm ưu thế về không quân, có khả năng tập kích bằng tên lửa hoặc máy bay không người lái (UAV) tự sát nhằm vào phần nóc tháp pháo có giáp mỏng, vốn là chiến thuật đang rất phổ biến tại Ukraine hiện nay.
Trung tướng Anh về hưu Sean Bell nói rằng Challenger 2 được trang bị hàng loạt hệ thống điện tử và cảm biến hiện đại, khiến chúng có năng lực chiến đấu mạnh mẽ, nhưng binh sĩ Ukraine sẽ mất nhiều thời gian để làm quen khí tài và gặp nhiều khó khăn trong vận hành, bảo dưỡng so với những xe tăng thời Liên Xô trong biên chế của họ hiện nay.
"Đó là xe tăng rất hiệu quả và sẽ cải thiện đáng kể năng lực chiến đấu cho Ukraine, nhưng nhược điểm là chúng sẽ đặt ra gánh nặng khổng lồ về huấn luyện và bảo đảm hậu cần với binh sĩ nước này", tướng Bell nhận xét.
Crump cũng nhận định số lượng xe tăng được Anh chuyển giao cho Ukraine chỉ đủ biên chế cho một đại đội và khó có thể thay đổi cục diện toàn bộ chiến trường nếu các nước phương Tây khác không có động thái tương tự.
"Động thái này chủ yếu mang tính tượng trưng, nhưng có thể thúc đẩy những quốc gia phương Tây khác viện trợ xe tăng cho Ukraine, đặc biệt là dòng Leopard 2 do Đức sản xuất. Xe tăng Leopard không thể sánh ngang với sản phẩm của Anh, nhưng tôi sẽ chọn 400 xe Leopard 2 thay vì 10 chiếc Challenger 2", Crump nói.
Vũ Anh (Theo Telegraph, Business Insider)