Mỹ đang tìm cách tăng số chuyến bay rời Afghanistan để sơ tán 5.000-9.000 người mỗi ngày, huy động nhiều lực lượng để đưa người đi và mang thiết bị, nhu yếu phẩm tiếp tế cho binh sĩ tại thủ đô Kabul. Đóng vai trò chủ lực trong chiến dịch này là vận tải cơ hạng nặng C-17 Globemaster III, vốn được đánh giá là xương sống của ngành vận tải quân sự Mỹ và "ngựa thồ" phục vụ các chuyến công du nước ngoài của giới lãnh đạo.
Những chiếc C-17 bắt đầu gây chú ý với hình ảnh nhiều người Afghanistan bám càng phi cơ trên đường băng sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, trong đó một số người đã thiệt mạng do máy bay cán qua, rơi khỏi phi cơ hoặc bị kẹt trong khoang chứa càng đáp.
Vận tải cơ C-17 mang hô hiệu "Reach 871" đã lập kỷ lục khi chở theo 823 công dân Afghanistan rời khỏi Kabul. Thông tin được Bộ Tư lệnh Vận tải Đường không Mỹ (AMC) xác nhận hôm 20/8.
"Thật sự khó tin. Không ai nghĩ Afghanistan có thể thất thủ nhanh đến vậy. Nhưng tôi có thể nói tất cả kíp bay đều hào hứng theo cách khác lạ nhất, bởi đây chính là môi trường để chúng tôi thể hiện khả năng vượt trội", một phi công C-17 giấu tên tiết lộ.
C-17 Globemaster III là máy bay vận tải quân sự hạng nặng được tập đoàn McDonnell Douglas phát triển cuối thập niên 1980 nhằm mục đích vận chuyển chiến lược và chiến thuật, cho phép đưa trang thiết bị vũ khí và binh sĩ Mỹ đến mọi địa điểm trên thế giới, cũng như sơ tán thương binh và thả lính dù.
Máy bay có chiều dài thân 53 m, sải cánh rộng 51,75 m. Với chiều rộng khoang hàng 5,5 m, cao tối đa 4,6 m, Globemaster III có khả năng mang đến 78 tấn hàng hóa hoặc 102 lính dù tinh nhuệ, phù hợp với những hoạt động đòi hỏi đưa lượng lớn người, khí tài đến và đi từ các địa điểm ở xa căn cứ.
"Đây chính là điều mà chúng tôi được huấn luyện. Đây là điều mà cộng đồng Globemaster luôn sẵn sàng thực hiện", phi công giấu tên cho hay.
Máy bay C-17 được thiết kế để cất hạ cánh trên đường băng ngắn, cũng như các đường băng dã chiến không được chuẩn bị trước. Khả năng tiếp dầu trên không cho phép nó vươn tới mọi địa điểm trên thế giới, phục vụ các yêu cầu của quân đội Mỹ. "Tôi nghĩ không có thiết kế vận tải cơ quân sự nào tốt hơn nó", phi công C-17 nói thêm.
Ngay cả các kíp bay C-17 cũng tỏ ra ấn tượng với tổ lái trên chiếc Reach 871 khi họ cất cánh với hơn 800 người trong khoang hàng. Vận tải cơ C-17 có thể chở tối đa 80 binh sĩ trên dãy ghế giữa và 54 người trên dãy ghế hai bên khoang hàng. Máy bay có thể tháo bỏ ghế ngồi để tăng sức chứa và dùng dây chăng ngang khoang hàng làm đai bảo hiểm cho nhiều người, tăng số hành khách lên khoảng 400.
Kỷ lục trước đó là 670 người được chở trên chuyến bay sơ tán người Philippines khỏi khu vực bị bão quét qua. "Rõ ràng tổ lái Reach 871 đã tìm ra cách để nhồi nhét thêm người mà vẫn bảo đảm an toàn bay. Tôi hy vọng họ sẽ được khen thưởng, đó là quyết định rất táo bạo và họ đã làm đúng", phi công giấu tên cho hay.
Vẫn còn hàng trăm người bên ngoài chiếc C-17 và trên đường băng vào thời điểm "Reach 871" cất cánh, nhưng tổ lái không thể làm gì hơn. Phi công giấu tên mô tả tình cảnh ở sân bay Kabul khi đó giống với thảm họa Titanic, khi tất cả mọi người đều muốn lên xuồng cứu hộ, nhưng chúng sẽ chìm nếu có quá nhiều người cùng lên.
"Nếu chiếc C-17 dừng lại, nó có thể bị hư hại hoặc bị phá hủy hoàn toàn, không ai biết những người ở đó có vũ khí hay không. Nếu chiếc C-17 không thể cất cánh hoặc bị hư hại, nó sẽ chặn đường băng và không ai có thể đến hay đi nữa", người này nói thêm.
Các kíp bay C-17 được huấn luyện đối phó với nguy cơ không tặc, đột nhập máy bay hoặc xâm phạm nơi đỗ phi cơ, nhưng chưa bao giờ chứng kiến tình cảnh như ở Kabul. Các phi công cho rằng tổ lái "Reach 871" đã làm đúng khi quyết định đóng cửa và cất cánh, nhưng vấn đề chưa dừng lại ở đó.
Sự gấp rút trong quá trình chuẩn bị cất cánh khiến họ khó lòng tính toán chính xác khối lượng trong khoang hàng, từ đó không thể xác định quãng đường băng cần thiết để cất cánh. Điều tệ hơn nữa là sân bay Hamid Karzai nằm ở độ cao gần 1.800 m so với mực nước biển và Afghanistan đang trong mùa hè, khiến không khí tương đối loãng và máy bay khó tạo được lực nâng như ở nơi có độ cao nhỏ và thời tiết mát mẻ hơn.
Hai yếu tố khác làm chuyến bay của "Reach 871" càng nguy hiểm hơn. Thứ nhất là địa hình Kabul, vốn có hình dạng lòng chảo và được bao quanh bởi các dãy núi, đòi hỏi máy bay nhanh chóng lấy độ cao sau khi rời mặt đất để tránh đâm vào núi. Thứ hai là các tay súng Taliban đang kiểm soát Kabul, không ai biết liệu họ có tuân thủ thỏa thuận với Mỹ và tránh tấn công máy bay hay không.
Vượt qua tất cả thử thách này, tổ lái C-17 vẫn còn một vấn đề khác, đó là phi cơ chỉ có một nhà vệ sinh trong khi phải chở hàng trăm người. "Đó không phải tình huống lý tưởng. Chắc chắn chiếc máy bay đó sẽ phải nằm đất một thời gian để dọn sạch sẽ, bởi nhiều người phải tiểu tiện ra sàn. Không may đây là điều thường xảy ra trong những chuyến vận tải cứu trợ", phi công giấu tên cho hay.
Khi không quân Mỹ tìm kiếm lực lượng lập cầu hàng không với Afghanistan, số kíp bay tình nguyện làm nhiệm vụ còn cao hơn số máy bay có sẵn. "Khi tình hình xấu đi, những chiếc C-17 sẽ luôn có mặt. Công việc của chúng tôi là xử lý và hỗ trợ tình huống. Thảm họa là chuyên ngành của chúng tôi", phi công C-17 giấu tên nói.
Vũ Anh (Theo Task & Purpose)