Tháng 11/1969, không quân Mỹ điều máy bay không người lái (UAV) D-21B làm nhiệm vụ chụp ảnh các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc. Đây là dòng UAV trinh sát tối tân của Mỹ lúc đó, có thể đạt tốc độ Mach 3+, nghĩa là nhanh hơn ba lần tốc độ âm thanh, với thiết kế cánh tam giác tương đồng trinh sát cơ SR-71 Blackbird.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trinh sát trên lãnh thổ Trung Quốc, chiếc D-21B gặp trục trặc trong hệ thống điều khiển, không thể rẽ để quay về căn cứ. Nó tiếp tục bay thẳng lên phía bắc, tiến vào không phận Liên Xô và rơi xuống vùng Siberia. Vụ tai nạn được ví như việc Mỹ "biếu không" cho Liên Xô một món quà Giáng sinh sớm.
D-21 là sản phẩm của Skunk Works, nhóm nghiên cứu độc lập của tập đoàn Lockheed, ban đầu được phát triển để phóng từ đuôi M-21, biến thể trinh sát cơ A-12 với trần bay hơn 25.000 m. Trinh sát cơ A-12 sau đó được phát triển thành SR-71.
Các tổ hợp tên lửa phòng không của Liên Xô từng bắn rơi trinh sát cơ U-2 hồi tháng 5/1960, khiến các nhiệm vụ trinh sát của không quân Mỹ trên không phận đối thủ ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.
Giới chức quân sự Mỹ nhận định dù SR-71 có thể bay đủ cao và đủ nhanh để đảm bảo an toàn, không cần thiết phải điều trinh sát cơ có người lái thực hiện nhiệm vụ với rủi ro cao, trong khi UAV có thể đảm nhận được. Skunk Works bắt đầu phát triển D-21 vào giữa những năm 1960 nhằm thực hiện các nhiệm vụ trinh sát trên bầu trời Liên Xô.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, D-21 sẽ phóng hộp chứa phim ra ngoài, sử dụng dù hãm để làm chậm tốc độ rơi chờ máy bay chuyên dụng JC-130 "tóm lấy" giữa không trung, tương tự phương thức chuyển phim từ vệ tinh về Trái đất. Hộp phim có phao để nổi trên mặt biển và chờ tàu tới vớt phòng trường hợp máy bay JC-130 bắt trượt.
Sau loạt sự cố liên quan đến quy trình phóng UAV, bao gồm tai nạn nghiêm trọng khiến một máy bay M-21 rơi và phi công thiệt mạng, Skunk Works phát triển D-21B để phóng từ oanh tạc cơ chiến lược B-52H.
Không quân Mỹ 4 lần thử nghiệm dùng oanh tạc cơ B-52, cất cánh từ đảo Guam, phóng UAV D-21B để thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh trinh sát bãi thử hạt nhân Lop Nor tại khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.
Tuy nhiên, chiếc D-21B gặp sự cố ngay trong lần thử nghiệm đầu tiên, khi nó bay qua biên giới Xô - Trung và rơi xuống vùng Siberia. Trong ba lần thử nghiệm tiếp theo, máy bay JC-130 bắt trượt hộp phim hai lần và hai chiếc D-21B rơi xuống Thái Bình Dương.
Các quan chức và kỹ sư hàng không Liên Xô đặc biệt quan tâm đến UAV D-21B sau khi thu được xác máy bay ở Siberia. "Đây là mẫu máy bay nhỏ gọn, được trang bị thiết bị trinh sát hiện đại có thể thực hiện nhiệm vụ do thám kéo dài ở tốc độ siêu vượt âm, với nhiệt độ rất lớn", chuyên gia lịch sử hàng không Yefim Gordon và Vladimir Rigamant cho biết trong một bài viết.
"Nhiều tập đoàn và tổ chức hàng đầu trong ngành công nghiệp hàng không, điện tử và quốc phòng Liên Xô nhận nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế cùng vật liệu của D-21, cũng như công nghệ chế tạo và trang thiết bị của chiếc UAV", hai chuyên gia cho hay.
Liên Xô khi đó triển khai Đề án Voron nhằm phát triển UAV trinh sát chiến lược siêu vượt âm. Voron sẽ được phóng từ oanh tạc cơ Tu-95 hoặc Tu-160, sau đó bộ tăng tốc dùng nhiên liệu rắn sẽ đưa UAV lên tốc độ siêu vượt âm để động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) khởi động.
UAV sau đó sẽ bay theo lộ trình được vạch từ trước nhờ hệ thống dẫn đường quán tính. Khi quay trở về căn cứ, UAV sẽ phóng khoang chứa phim có dù hãm ra ngoài rồi tự hạ cánh.
Tuy nhiên, số phận của Voron không khác D-21 khi bị đơn vị phát triển "ruồng bỏ", trong bối cảnh vai trò của trinh sát cơ rơi vào tay vệ tinh do thám, vốn có khả năng bay qua lãnh thổ nước ngoài mà không đối mặt nguy cơ bị bắn hạ. Vệ tinh sẽ bốc cháy khi đi vào khí quyển và không để lại các mảnh vỡ giống máy bay rơi, do đó bí mật quân sự của quốc gia sở hữu không lọt vào tay nước ngoài.
"Liên Xô dành cho những nhà thiết kế của Lockheed lời khen ngợi chân thành nhất khi sao chép sản phẩm của họ", biên tập viên Michael Peck của National Interest viết.
Nguyên Bách (Theo National Interest)