Huân chương Chiến thắng là phần thưởng quân đội cao nhất được Liên Xô trao cho các nguyên soái, thống chế đã có những chiến tích vang dội làm thay đổi cục diện chiến trường. Trong lịch sử, chỉ có 12 chỉ huy Liên Xô và 5 chỉ huy ngoài Liên Xô được trao huân chương này.
Không chỉ mang giá trị to lớn về tinh thần, đây còn được coi là mẫu huân chương đắt giá và quý hiếm nhất trên thế giới, khi nó có thể được bán tại bất kỳ nhà đấu giá nào với mức giá khởi điểm trên 20 triệu USD.
Tính đến năm 2017, Vua Michael I của Romania là người cuối cùng được nhận huân chương này còn sống. Sau khi ông qua đời vào năm đó, không ai rõ về số phận Huân chương Chiến thắng của ông. Hoàng gia Romania thông báo nó đang được lưu giữ trong tư gia của vua Michael I ở Versoix, Thụy Sĩ, nhưng có tin đồn ông đã bán huân chương này hồi thập niên 1980 với giá khoảng 4 triệu USD.
Quyết định ban hành Huân chương Chiến thắng được Liên Xô đưa ra sau chiến dịch Stalingrad kết thúc vào tháng 2/1943, đánh dấu thắng lợi quan trọng đầu tiên của Hồng quân trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
Năm 1942 là giai đoạn cực kỳ khó khăn của Hồng quân, khi họ hứng chịu hàng loạt thất bại trước Đức quốc xã ở Mặt trận phía Nam. Lãnh đạo Iosef Stalin ban hành Chỉ thị số 227 vào ngày 28/7/1942 với khẩu hiệu "Không lùi bước!". Ông cũng hiểu rằng cần có những phần thưởng cao quý để trao cho những chỉ huy có thành tích nổi bật trên chiến trường.
Trong giai đoạn 1942-1943, Stalin đã yêu cầu xây dựng nhiều huân chương và phần thưởng cho các sĩ quan quân đội, đặt theo tên những chỉ huy quân sự tài năng trong lịch sử Nga như Alexander Suvorov, Mikhail Kutuzov, đô đốc Fedor Ushakov và Pavel Nakhimov.
Huân chương Chiến thắng được xếp hàng đầu. Tháng 7/1943, khi trận đánh vành đai Kursk đang diễn ra, thiết kế sơ bộ của huân chương được đệ trình lên Stalin, trong đó hình chân dung của ông và lãnh đạo Vladimir Lenin được in ở mặt trước huân chương.
Stalin không chấp nhận thiết kế này. Đến tháng 10/1943, ông yêu cầu đặt hình tháp đồng hồ Spasskaya của Điện Kremlin lên mặt trước huân chương. Stalin phê duyệt thiết kế hoàn chỉnh của Huân chương Chiến thắng vào ngày 5/11/1943. Ba ngày sau, huân chương được ban hành và quá trình chế tạo bắt đầu.
Việc chế tạo huân chương được giao cho nhà máy Đồng hồ và Đá quý Moskva. Liên Xô định chế tạo 30 huân chương, mỗi chiếc sử dụng 180 viên kim cương, 50 viên kim cương cắt đáy phẳng và 300 gram bạch kim. Quá trình chế tạo sử dụng tổng cộng 5.400 viên kim cương thường, 1.500 viên cắt đáy phẳng và 9 kg bạch kim.
Tổng cộng 22 Huân chương Chiến thắng được xuất xưởng, tất cả đều được chế tác thủ công, trong đó ba chiếc không được trao tặng mà được lưu giữ. Huân chương Chiến thắng nặng 78 gram, được làm từ bạch kim, phần chữ "Pobeda" (Chiến thắng) được làm từ vàng ròng, cùng với đó là 174 viên kim cương, 5 viên hồng ngọc với tổng khối lượng 25 carat.
Các nhà chế tác ban đầu định dùng hồng ngọc tự nhiên, nhưng sau đó chuyển sang sử dụng hồng ngọc nhân tạo, bởi hồng ngọc tự nhiên có gam màu không đồng nhất, có thể khiến huân chương có vẻ lấm bẩn.
Các chi tiết như Điện Kremlin và cành tùng làm từ bạch kim ánh vàng, được khảm các viên kim cương nhỏ. Những chi tiết cố định phía sau như đinh và ốc được làm bằng bạc. Điểm độc đáo của huân chương là chúng không được khảm số thứ tự.
Huân chương Chiến thắng được trao lần đầu vào ngày 10/4/1944 cho tổng tư lệnh Stalin, nguyên soái Georgy Zhukov và Alexander Vaislevsky nhằm kỷ niệm chiến dịch giải phóng Ukraine. Cả ba người đều được trao Huân chương Chiến thắng lần hai vào năm 1945.
Ngoài các chỉ huy Liên Xô, phần thưởng này cũng được trao cho 5 người ngoại quốc. Thống chế Anh Bernard Montgomery và đại tướng Mỹ Dwight Eisenhower được trao thưởng tháng 6/1945 vì "thành công đặc biệt trong các chiến dịch quy mô lớn dẫn đến chiến thắng của Liên Hợp Quốc trước Đức quốc xã".
Vua Michael I của Romania được trao thưởng ngày 6/7/1954 vì quyết định bắt những người hợp tác với Đức quốc xã trong chính phủ Romania. Hành động này diễn ra ngày 23/8/1944, thời điểm phe Đồng minh chưa giành được chiến thắng quyết định trước Đức quốc xã.
Nguyên soái Ba Lan Michal Rola-Zymierski được trao Huân chương Chiến thắng ngày 9/8/1945 vì những chiến dịch chống phát xít. Nguyên soái Nam Tư Josip Tito cũng được trao thưởng với lý do tương tự ngày 9/9/1945.
Lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev được trao Huân chương Chiến thắng vào năm 1978. Tuy nhiên, phần thưởng này bị lãnh đạo Mikhail Gorbachev thu hồi vào năm 1989, bảy năm sau khi Brezhnev qua đời, với lý do ông không tham gia những chiến dịch quân sự mang tính quyết định trong Thế chiến II.
Bảo tàng Điện Kremlin hiện lưu giữ bộ sưu tập Huân chương Chiến thắng lớn nhất thế giới với 8 chiếc, trong khi một trong ba huân chương không được trao tặng và huân chương của nguyên soái Rola-Zymierski hiện không rõ tung tích.
Ngày nay, hình ảnh Huân chương Chiến thắng và Huân chương Chiến tranh Vệ quốc cũng xuất hiện trong các lễ Duyệt binh Chiến thắng khi được treo trước Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Quảng trường Đỏ.
Vũ Anh (Theo RBTH)