Khi hàng nghìn người tại Hong Kong xuống đường thực hiện cuộc biểu tình dữ dội nhất trong lịch sử, một cuộc tranh luận về chiến dịch này đang diễn ra tại một nơi rất khác biệt, đó là mạng xã hội.
Theo South China Morning Post, những video và hình ảnh từ cuộc biểu tình nhận được rất nhiều sự chú ý, đồng thời cũng làm nổ ra nhiều tranh luận kéo dài về tính xác thực của nó.
Có thể lấy ví dụ về một đoạn phim ngày 28/9, quay cảnh một người đàn ông trung niên quay lưng lại hàng cảnh sát. Người này dường như đang kêu gọi đám đông bình tĩnh. Người biểu tình đang lùi lại để tránh khí cay từ cảnh sát, sau khi xô đẩy hàng rào chắn của lực lượng an ninh.
Một sĩ quan cảnh sát vỗ vào cánh tay người đàn ông, rồi phun hơi cay vào mặt người này.
Những người ủng hộ cuộc biểu tình sử dụng đoạn phim này làm bằng chứng về việc cảnh sát sử dụng vũ lực không cần thiết đối với một người biểu tình hòa bình. Nó nhanh chóng được lan truyền trên Facebook của những người ủng hộ.
Tuy nhiên, một đoạn video xuất hiện sau đó lại cho thấy một cảnh tượng hoàn toàn khác. Đoạn video này được quay tại cùng vị trí và cùng ngày với đoạn phim trên. Trong video thứ hai, người đàn ông đang tấn công vào hàng cảnh sát và xô đẩy những người biểu tình khác, để đạp đổ rào chắn các cảnh sát đang canh giữ.
Theo những người ủng hộ cảnh sát và chống lại chiến dịch biểu tình, đoạn phim thứ hai cho thấy lực lượng an ninh đã bị hiểu lầm, và việc sử dụng hơi cay để khống chế người đàn ông nói trên là thích hợp.
Hiện chưa rõ sự kiện trong hai đoạn video diễn ra theo trình tự nào, vì cả hai đều không hiển thị thời gian quay và ghi lại diễn biến đầy đủ.
Ngoài việc phát tán hình ảnh, người sử dụng Internet còn tự đưa ra những thông điệp, để lan truyền quan điểm của họ về dân chủ, pháp luật và trật tự.
Người ủng hộ chiến dịch, Kwok Wai-tung, viết trên Facebook rằng kể từ ngày đầu của phong trào bãi khóa và biểu tình, ông đã viết những thông điệp dài để giải thích tại sao Hong Kong cần có dân chủ toàn diện.
Ông nói đã dành hẳn một ngày một đêm ở Causeway Bay, với hy vọng sẽ làm thay đổi quan điểm của những người bạn và cả người lạ phản đối phong trào này. Ông thừa nhận việc này không hề dễ dàng.
"Ngay từ ngày đầu tiên, cuộc tranh luận về vấn đề này đã diễn ra rất căng thẳng. Không thể dễ dàng thuyết phục một người về vấn đề lớn như vậy trong một thời gian ngắn", ông Kwok viết, nhưng nói thêm rằng ông sẽ tiếp tục thể hiện quan điểm của mình trên Facebook.
Trong khi đó, một người có tên Amy Cheung cũng áp dụng phương pháp tương tự, nhưng theo hướng ngược lại. Cô là một người phản đối phong trào bãi khóa và biểu tình. Ngay cả khi làm việc, cô vẫn liên tục cập nhật trang Facebook của mình với những tin tức về phong trào "chiếm trung tâm". Mục đích của cô là để "bạn bè nhận ra tác động tiêu cực của nó và cùng cô chống lại nó".
Một số người thậm chí còn đi xa hơn. Họ sử dụng thiết bị di động và mạng xã hội để kêu gọi hành động thực tế.
Một nhóm 20 chuyên gia từ nhiều ngành nghề khác nhau hôm nay phát đi các tin nhắn qua ứng dụng WhatsApp, kêu gọi mọi người tham gia vào "ngày mặc sơ mi trắng". Họ muốn mọi người đồng loạt mặc màu trắng để thể hiện rằng họ phản đối và muốn chấm dứt phong trào bãi khóa và các cuộc biểu tình đang phong tỏa nhiều con phố.
Doreen Kong, một phát ngôn viên của nhóm, cho biết cô gửi tin nhắn vào khoảng 1h ngày hôm qua. Vài giờ sau đó, hơn 10 tổ chức truyền thông trong và ngoài nước đã phản hồi qua mạng lưới của cô.
Kong cho biết cô hy vọng mọi người cùng nhau kêu gọi lập lại pháp luật và trật tự, nhằm giảm thiểu tác động của phong trào lên việc kinh doanh, đồng thời khuyến khích đối thoại để giải quyết vấn đề.
Phương Vũ