Radar cảnh giới tầm xa AN/FPS-115 "Pave Paws", được Mỹ phát triển cho nhiệm vụ phát hiện sớm tên lửa đạn đạo và máy bay, đang ngày càng đóng vai trò quan trọng với Đài Bắc và Washington trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang.
Giới chuyên gia cho rằng hệ thống Pave Paws đặt trên đỉnh núi cao 2.600 m ở huyện Tân Trúc, phía bắc đảo Đài Loan sẽ là "mắt thần" giúp cảnh báo sớm đòn tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc nhằm vào các căn cứ Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, giúp Washington và đồng minh có thời gian phản ứng.
Mỹ đồng ý bán một hệ thống AN/FPS-115 cho Đài Loan vào năm 2000, nó được lắp đặt năm 2006 và đưa vào biên chế lực lượng phòng vệ hòn đảo năm 2013. Hệ thống có trị giá 1,4 tỷ USD và từng trải qua hai lần nâng cấp. Việc được xây dựng nên núi cao giúp tổ hợp này theo dõi cả mục tiêu trên mặt biển, thay vì mục tiêu trên không như phiên bản triển khai tại Mỹ.
Hệ thống AN/FPS-115 có thể phát hiện tên lửa đạn đạo được phóng từ khoảng cách 5.000 km và bám bắt mục tiêu với độ chính xác cao từ khoảng cách 2.000 km. Hệ thống này được kết nối với mạng lưới cảnh báo sớm của Mỹ, cho phép Đài Bắc và Washington có tối đa 6 phút để phản ứng với một vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Bắc Kinh.
Giới quan sát cho rằng vai trò và tính năng của "mắt thần" AN/FPS-115 khiến nó trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của Trung Quốc trong kế hoạch tiềm năng thu hồi Đài Loan bằng vũ lực. "Quân đội Trung Quốc sẽ loại bỏ hệ thống radar này đầu tiên, nhằm cắt đứt hệ thống đường truyền dữ liệu tác chiến của hòn đảo", Sun Hai-tao, cựu tướng lực lượng phòng vệ Đài Loan, nhận định.
Tuy nhiên, ngay cả khi kịch bản này diễn ra, hệ thống Pave Paws vẫn mang lại nhiều thông tin quan trọng cho Đài Loan và Mỹ.
"Hòn đảo đã đầu tư nhiều nguồn lực lớn để bảo vệ cụm radar, trong đó có lá chắn tên lửa gồm hệ thống phòng không tầm xa Patriot III, tổ hợp phòng không nội địa Thiên Cung 2 và 3, máy bay cảnh báo sớm và các vũ khí phòng không tầm ngắn", Wang Kung-yi, người đứng đầu Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Đài Loan, cho hay.
Đài Bắc dường như cũng lắp đặt những hệ thống gây nhiễu tín hiệu định vị vệ tinh quanh đài radar Pave Paws để ngăn quân đội Trung Quốc thu được tọa độ chính xác của nó.
Nhiều người Đài Loan từng chỉ trích sự xuất hiện của Pave Paws, cho rằng nó là cơ sở radar của Mỹ và không đóng góp gì vào năng lực phòng vệ hòn đảo, chi phí triển khai và vận hành hệ thống này cũng bị đặt dấu hỏi.
Ngoài khoản tiền 1,4 tỷ USD ban đầu, Đài Loan cũng phải chi gần 25 triệu USD/năm để bảo dưỡng và duy trì hoạt động cho hệ thống AN/FPS-115. Các công đoạn bảo dưỡng chủ chốt hoàn toàn do kỹ thuật viên Mỹ đảm nhiệm, do Washington không chia sẻ công nghệ lõi cho Đài Bắc. Giới chức hòn đảo từng xác nhận toàn bộ thông tin tình báo từ Pave Paws đều được chia sẻ với Mỹ.
Su Tzu-yun, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Bắc, cho biết chia sẻ tin tình báo giữa Mỹ và Đài Loan rất quan trọng trong bối cảnh eo biển Đài Loan đang trở thành điểm nóng có nguy cơ bùng phát xung đột khu vực.
"Pave Paws có năng lực rất mạnh, nó có thể phát hiện những cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực với Mỹ cho phép hệ thống radar này bám bắt mục tiêu, hỗ trợ nỗ lực đối phó mọi cuộc tấn công bất ngờ từ dưới lòng biển của Trung Quốc đại lục", Su nói.
Bắc Kinh đang tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông và biển Hoa Đông nhằm cạnh tranh với hoạt động của Washington trong khu vực. Trong trường hợp nổ ra xung đột, các tàu ngầm Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông có thể phóng tên lửa nhằm vào căn cứ chủ chốt của Mỹ tại Nhật Bản và Guam.
Ou Si-fu, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu An ninh và Phòng thủ Đài Loan, cho biết các tàu ngầm Trung Quốc có thể ẩn mình trên Biển Đông để tránh đòn tấn công phủ đầu và trở thành lực lượng răn đe hiệu quả khi "cuộc chiến giữa các siêu cường" bùng phát.
"Các tàu ngầm thế hệ mới của Bắc Kinh có thể mang tên lửa đạn đạo JL-3 với tầm bắn ước tính tới 14.000 km, đe dọa phần lớn lãnh thổ Mỹ. Điều đó khiến hệ thống radar cảnh giới ở Đài Loan trở nên quan trọng hơn bao giờ hết", ông nói.
Vũ Anh (Theo SCMP)