Julie Bushnell, một giáo viên sống ở Anh, đã đọc thông tin trên một website "giống BBC" với nội dung: "Tesla mua 1,5 tỷ USD Bitcoin, lên kế hoạch tặng lại 750 triệu USD trong đó". Bài viết kêu gọi mọi người gửi một khoản Bitcoin đến địa chỉ ví có sẵn để được "ông Musk gửi lại gấp đôi".
Tin vào nội dung này, Bushnell đã gửi 9.000 bảng Anh (hơn 12.650 USD) vào địa chỉ ví trên, nhưng không nhận lại được một đồng nào. Lúc này, nữ giáo viên mới biết mình bị lừa. Cô cho biết, đây là số tiền dành dụm để đặt cọc mua nhà.
Bushnell thừa nhận đã không tìm hiểu kỹ nội dung trước khi gửi tiền cho kẻ xấu. "Tôi nghĩ Elon Musk là người lập dị nhưng hào phóng, sẵn sàng gửi tiền cho mọi người nên không nghi ngờ gì. Nhưng tôi vẫn cảm thấy sốc khi mất số tiền lớn", Bushnell nói. "Tôi kể ra câu chuyện của chính mình để nâng cao nhận thức của mọi người về trò lừa đảo tiền số đang diễn ra, để việc này không xảy ra với những người dễ bị tổn thương khác".
BBC cho biết đang tìm cách xóa website giả mạo. Hãng thông tấn này cũng cảnh báo người dùng nên kiểm tra tính xác thực của các website và không nên cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân hay tiền bạc trên Internet. Hiện tại, trang giả mạo BBC chứa thông tin Elon Musk tặng tiền đã bị xóa.
Các vụ lừa đảo Bitcoin đang xảy ra ngày một nhiều. Vào tháng 3, một người đàn ông đã mất số tiền tương đương gần 570.000 USD sau khi một nhóm lừa đảo giả làm nhân viên của Tesla tạo website tặng Bitcoin. Người đàn ông có tên Sebastian cho biết đã gửi hơn 10 Bitcoin cho những kẻ lừa đảo nhưng không nhận lại được gì. Khi đó, mỗi Bitcoin có giá hơn 50.000 USD.
Theo thống kê của Whale Alert, một dịch vụ theo dõi giao dịch tiền điện tử, đã có hơn 100 triệu USD bị mất hoặc đánh cắp thông qua các vụ lừa đảo tặng Bitcoin trên mạng trong năm 2020. Năm nay, tổ chức này dự đoán con số trên có thể "tăng ít nhất ba lần".
Bảo Lâm (theo Newsweek)