Động thái này của Elon Musk và Tesla sẽ đóng vai trò tích cực trong việc giúp Bitcoin trở nên "xanh" hơn bằng cách đầu tư vào các dự án mới với mục tiêu thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo trong khai thác tiền kỹ thuật số. Dù vậy, quá trình sẽ không dễ dàng và tốn thời gian.
"Musk và Tesla chắc chắn có đủ nguồn lực để hỗ trợ những nỗ lực khai thác Bitcoin hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo", Diana Biggs, Giám đốc điều hành của start-up tiền điện tử Valor, nhận xét. "Nhưng những dự án như vậy có thể mất nhiều năm mới đạt thành quả".
Theo các chuyên gia, Tesla cũng có thể triển khai lộ trình tiềm năng khác là chuyển từ Bitcoin sang các loại tiền tệ kỹ thuật số thân thiện với môi trường. Những đồng tiền này không dựa vào máy tính siêu lớn để khai thác như Bitcoin. Dù vậy, điều này sẽ vấp phải hàng loạt thách thức, bao gồm thỏa thuận với các nhà khai thác tiền điện tử, thay đổi phần mềm và các quy định liên quan.
Trong thông báo hôm 13/5 trên Twitter, Elon Musk cho biết sẽ xem xét các loại tiền điện tử khác sử dụng dưới 1% năng lượng hoặc giao dịch so với Bitcoin. Trong một tweet vào ngày 14/5, ông viết rằng: "Xu hướng sử dụng năng lượng trong những tháng qua là điên rồ", ám chỉ việc khai thác Bitcoin ồ ạt do giá trị của tiền số này tăng mạnh.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng ông chủ Tesla thực tế không quan tâm tác động đến môi trường khi khai thác Bitcoin, mà là quan tâm đến hãng xe của ông. "Như hiện tại, việc mua và chấp thuận sử dụng Bitcoin không phù hợp với tuyên bố sứ mệnh của Tesla", Alex De Vries, người sáng lập nền tảng nghiên cứu Digiconomist, cho biết.
Thực tế, khi thành lập Tesla, Elon Musk cho biết mục tiêu của công ty là tạo ra những chiếc xe sử dụng điện năng thay vì các nhiên liệu hóa thạch, như xăng, dầu - để thân thiện với môi trường. Bitcoin cũng được khai thác bằng điện, nhưng lượng điện mà nó sử dụng lớn hơn rất nhiều. Điện năng này chủ yếu đến từ các nhà máy nhiệt điện dùng than đá - loại nhiên liệu gây ô nhiễm nhất trong số các loại nhiên liệu hóa thạch.
Theo dữ liệu từ Đại học Cambridge, lượng điện năng để khai thác Bitcoin bằng năng lượng hàng năm của Ai Cập năm 2019. Trung Quốc - nơi tập trung hơn 70% số máy đào Bitcoin của toàn cầu - cũng chủ yếu dùng điện từ các nhà máy nhiệt điện, dù gần đây bắt đầu chuyển sang dùng điện mặt trời và thủy điện.
Yves Bennaim, người sáng lập tổ chức nghiên cứu tiền điện tử 2B4CH có trụ sở tại Thụy Sĩ, cho rằng Elon Musk và Tesla có thể đầu tư vào các tùy chọn khai thác Bitcoin theo hình thức thân thiện với môi trường hơn. Công ty có thể thành lập các nhóm thợ đào dùng năng lượng tái tạo, hoặc kết nối để tạo một mạng lưới thợ đào toàn cầu dùng loại năng lượng này.
Thực tế, nhiều dự án khai thác tiền số trên toàn cầu đang tìm cách chuyển sang năng lượng tái tạo, hoặc cố gắng tối ưu để giảm phụ thuộc vào các hình thức tạo điện, sản sinh nhiều khí thải carbon. Square, công ty chi hàng trăm triệu USD để mua Bitcoin của người sáng lập Twitter Jack Dorsey, đã bỏ ra hơn 10 triệu USD để thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng tái tạo trong khai thác Bitcoin.
"Elon Musk có thể đầu tư vào các công ty khai thác năng lượng xanh để Tesla chấp nhận thanh toán xe hơi bằng Bitcoin tạo ra từ loại năng lượng này", Maya Zehavi, một nhà tư vấn tiền điện tử và blockchain, nêu ý kiến.
Một số ý kiến khác cho rằng, Elon Musk và Tesla có thể kêu gọi các hệ thống nên thay đổi thuật toán khai thác và giao thức Bitcoin so với hiện tại nhằm giảm việc tiêu thụ điện năng. Tuy vậy, với đặc trưng phi tập trung, đây sẽ là vấn đề thách thức nhất.
"Toàn bộ hệ sinh thái khai thác Bitcoin đã ổn định nhiều năm qua. Chúng được đầu tư hàng tỷ USD vào phần cứng. Nếu thay đổi giao thức, đồng nghĩa với hàng tỷ USD biến mất. Chẳng ai muốn thay đổi cả", Jack Liao, CEO của công ty khai thác tiền số LightningAsic của Trung Quốc, nói.
Bảo Lâm (theo Reuters)