Không giống các loại tiền tệ chính thống được làm từ giấy, nhựa hoặc kim loại, Bitcoin là loại tiền trên môi trường ảo và không thể cầm nắm. Dù vậy, việc khai thác đang tiêu tốn rất nhiều năng lượng bằng cách sử dụng các hệ thống máy tính và card đồ họa (GPU) công suất cao. Theo dữ liệu từ Đại học Cambridge và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), với tốc độ khai thác Bitcoin hiện tại, lượng năng lượng tiêu tốn tương đương với toàn bộ điện tiêu thụ tại Hà Lan vào năm 2019.
Bitcoin đã tăng giá mạnh kể từ đầu năm và vượt mốc 50.000 USD. Giá trị của nó tăng phi mã khiến lượng người tham gia "đào" tiền điện tử cũng tăng lên đáng kể. Khi nhiều người tham gia, việc khai thác sẽ trở nên khó khăn và cần các hệ thống máy tính mạnh hơn. Điều này khiến năng lượng tiêu thụ lớn hơn nhiều lần so với trước đây.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Joule năm 2019, việc khai thác Bitcoin từ các hệ thống máy tính có thể tạo ra từ 22 đến 22,9 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm, tương đương mức do Jordan và Sri Lanka tạo ra.
Trung Quốc là nơi có các hệ thống đào Bitcoin lớn nhất thế giới. Theo thống kê của Đại học Cambridge, các công ty Trung Quốc hiện chiếm khoảng 70% sản lượng Bitcoin khai thác được trên toàn cầu. Nhiên liệu tạo ra điện để dùng cho các "khu mỏ" Bitcoin chủ yếu là than đá, ngoại trừ một số tháng trong năm dùng năng lượng mặt trời, gió và thủy điện.
Một số khu vực trên thế giới bắt đầu tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo cho việc khai thác Bitcoin, dù chưa nhiều. Một số dự án đào Bitcoin ở Canada, Siberia đang nỗ lực tìm cách hạn chế điện dùng nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó là thủy điện, điện mặt trời nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon.
Ngoài ra, một số nơi khác đang cố gắng tận dụng các nguồn nhiên liệu như khí đốt từ các mỏ dầu (thường bị loại bỏ) hay phế phẩm nông nghiệp để sản xuất điện. Dù vậy, giải pháp này chưa được đánh giá cao do quy mô còn thấp, chưa đủ để thay thế các nhiên liệu truyền thống.
Như Phúc (theo Reuters)