Theo Telegraph, thang đo stress hai nhà tâm thần học Holmes và Rahe phát minh, được sử dụng để xác định mức độ gây căng thẳng và sợ hãi của các sự kiện khác nhau trong cuộc sống tới con người. Ủy ban Chính sách Xã hội Sinh lý của Anh đã dùng thang đo stress này để tiến hành nghiên cứu với 2.000 người. Kết quả cho thấy những tình huống như cái chết của người thân, bị bệnh nặng... ảnh hưởng lớn đến một người. Những mối quan tâm như bị trộm cắp danh tính, hoãn lịch hẹn hay thay đổi kế hoạch du lịch có số người đánh giá thấp nhất.
Trong các sự kiện có thể gây căng thẳng, tình huống mất điện thoại chỉ thấp hơn một điểm so với mối đe dọa của cuộc tấn công khủng bố. Ngoài ra, chuẩn bị đám cưới hay chuyển nhà cũng được đánh giá là gây stress ở mức độ cao.
Tiến sĩ Lucy Donaldson, Chủ tịch Ủy ban Chính sách Xã hội Sinh lý, tác giả công trình nghiên cứu cho biết phụ nữ có mức độ căng thẳng cao hơn nam giới, đặc biệt là với tình huống cái chết của người thân, bệnh tật và mất điện thoại.
Hiệp hội sinh lý học hy vọng nghiên cứu này sẽ nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của stress đối với chức năng của cơ thể. Trong những tình huống căng thẳng, cơ thể chuẩn bị hành động bằng cách giải phóng hormone vào máu, làm ảnh hưởng đến tim cũng như hệ tiêu hóa và miễn dịch. Mức độ stress cũng tăng theo tuổi tác. Người lớn tuổi thường có xu hướng căng thẳng nhiều hơn vì lo sợ bệnh tật, ốm đau và cái chết.
"Nhiều người ý thức được ảnh hưởng của stress đối với tinh thần nhưng điều quan trọng phải quan tâm đến ảnh hưởng của stress đến sức khỏe. Bộ não, hệ thần kinh và hormone đều phản ứng với stress. Do đó, stress có thể ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hệ miễn dịch và tiêu hóa. Căng thẳng kéo dài làm tăng nguy cơ đau tim và những vấn đề về sinh lý lâu dài trong cơ thể", ông Donaldson nói.