Tân (Ba Đình, Hà Nội) bị hẹp bao quy đầu từ nhỏ. Cậu không mấy để ý đến việc này vì thấy mọi sinh hoạt của mình vẫn diễn ra bình thường. Gần đây, thấy phần da quy đầu có những nốt đỏ, loét, cậu học sinh lớp 12 mới đi khám. Bác sĩ sau khi khám đã lấy một phần da ở vùng này để làm sinh thiết và phát hiện Tân bị ung thư dương vật. Chàng trai vừa biết yêu buộc phải cắt cụt "cậu bé" để tránh nguy cơ di căn.
Đây là một trong những trường hợp biến chứng của hẹp bao quy đầu được phát hiện tại Phòng khám nam khoa và tiết niệu Tâm Anh (Hà Nội). Giáo sư Trần Quán Anh, giám đốc phòng khám cho biết, khi bị hẹp bao quy đầu, người bệnh đi tiểu rất khó khăn, dẫn tới tích tụ các chất cặn bẩn trong nước tiểu và dịch nhầy của đường tiết niệu ở nếp da quy đầu. Đây chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng, dẫn tới các bệnh viêm nhiễm và gây biến chứng ung thư dương vật.
Hẹp bao quy đầu là bệnh rất phổ biến ở các bé trai. Một thống kê của Bệnh viện K mấy năm trước cho thấy, có khoảng 40% trẻ dưới 4 tuổi mắc bệnh này. Riêng tại phóng khám Tâm Anh, mỗi tuần có tới 16 ca thực hiện thủ thuật cắt bao quy đầu cho người trưởng thành, trong đó bệnh nhân cao tuổi nhất là 69 tuổi.
Thậm chí mới đây, một cụ ông 81 tuổi ở Khâm Thiên (Hà Nội) cũng phải vào cấp cứu vì bao quy đầu sưng húp, mưng mủ, đau nhức. Bệnh nhân cho biết, ông bị hẹp bao quy đầu từ nhỏ nhưng lớn lên thấy vẫn lấy vợ, sinh hoạt tình dục và sinh con bình thường nên không nghĩ đó là bệnh.
Bác sĩ Trần Quán Anh cho hay, bao quy đầu là một bao da mỏng bọc phía ngoài của quy đầu dương vật. Khi bao da bó chặt lại toàn bộ quy đầu làm cho không lộn được (chít hẹp hoàn toàn), hoặc lộn ra một cách khó khăn (bán chít hẹp). Trường hợp cụ ông 81 tuổi, do tuổi già, da mất khả năng chun giãn, bao quy đầu trở thành một chiếc đai gây thắt nghẽn "của quý". Nếu không được mổ cấp cứu "cởi dây trói" bệnh nhân có thể bị loét, hoại tử bộ phận sinh dục.
Là bệnh phổ biến và có thể gây những biến chứng nghiêm trọng nhưng tại Việt Nam, hẹp bao quy đầu vẫn ít được quan tâm, cả bố mẹ có con nhỏ, người lớn bị bệnh lẫn thầy thuốc. Người bệnh thường không đi khám chữa vì thấy không ảnh hưởng đến sinh hoạt, vẫn tiểu tiện và có thể quan hệ tình dục bình thường. Các bác sĩ cũng chỉ đề cập khi bệnh nhân tìm tới hỏi, không ai chỉ ra khi khám định kỳ. Trong khi đó, trên thế giới, tại một số nơi như châu Phi hay người Hồi giáo thường trẻ 6 tuổi đều được cắt bao quy đầu.
Theo giáo sư Trần Quán Anh, khi có con trai, bố mẹ cần quan tâm vệ sinh bộ phận sinh dục cho bé, nếu thấy phần bao quy đầu khó lộn hoặc dính lại thì nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn cách xử lý. Nếu tình trạng trên vẫn tồn tại đến lúc trẻ lớn, nên cắt bao quy đầu, tốt nhất là trước 16 tuổi. Ông cho hay, hiện nay có tới 16 phương pháp mổ cắt bao quy đầu nhưng nên lựa chọn một phương pháp đảm bảo cả về chức năng lẫn thẩm mỹ cho người bệnh khi thực hiện.
Vương Linh