Tiến sĩ Thái đang khám cho bệnh nhân bị ung thư dương vật do hẹp bao quy đầu. |
40% trẻ 1-6 tuổi bị hẹp bao quy đầu
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang Thái, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tổng hợp bệnh viện K, tại đây thường xuyên phải tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân bị ung thư dương vật do hẹp bao quy đầu, trong đó có tới 70%- 80% phải cắt bỏ "chỗ ấy", trong đó có khá nhiều thanh niên.
Cũng theo thống kê tại bệnh viện này, ở Hà Nội, cứ 10 trẻ ở độ tuổi mẫu giáo thì có tới 4 em bị hẹp bao quy đầu. Đây là tình trạng lớp da ở phần đầu của dương vật không tụt được xuống để lộ phần quy đầu dương vật. Bình thường, ở trẻ nhỏ, "bao da" vẫn bọc ngoài quy đầu mà không cản trở việc đi tiểu, nhưng đến 1-2 tuổi quy đầu không lộ ra là hẹp bao quy đầu.
Giáo sư Nguyễn Thu Nhạn, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, cho biết, hẹp bao quy đầu là tình trạng khá phổ biến. Ở nhiều nước trên thế giới, vấn đề này rất được quan tâm, tuy nhiên ở Việt Nam hầu như các bậc cha mẹ không ý thức được sự nguy hiểm của nó.
Qua lần trực tiếp thăm khám mới đây cho 40 bé trai từ 1 đến 6 tuổi, giáo sư Nhạn đã phát hiện có tới 36 cháu bị hẹp bao quy đầu. Điều đáng nói là tất cả các cha mẹ đưa con đến khám khi được hỏi đều không biết vấn đề này, kể cả cách vệ sinh "chỗ ấy" cho các bé trai.
Gây ra nhiều loại bệnh
Tiến sĩ Thái cảnh báo, trẻ bị hẹp bao quy đầu thường đi tiểu rất khó khăn, do đó dễ bị viêm nhiễm, tích tụ các "bựa" trong nước tiểu và dịch nhầy của đường tiết niệu ở nếp da quy đầu. Đây chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng. Tình trạng viêm nhiễm do ứ đọng nước tiểu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến viêm đường tiết niệu, ảnh hưởng tới thận, gây khó khăn trong quan hệ tình dục sau này, thậm chí dẫn tới ung thư dương vật. Thống kê tại viện K cho thấy, hẹp bao quy đầu chính là nguy cơ số một gây ung thư dương vật.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Thái, hầu hết người bị hẹp bao quy đầu thường xấu hổ, không muốn đi khám nên khi đến bệnh viện đã có các biến chứng: tắc đường niệu đạo, nhiễm khuẩn tại khối u gây lở loét, đau đớn, nhiễm khuẩn tại vùng hạch di căn gây loét ra ngoài da hoặc chảy máu.
Hẹp bao quy đầu có thể là bẩm sinh hoặc do vệ sinh không đúng cách gây viêm nhiễm. Do đó, các bác sĩ khuyên khi tắm, bố mẹ nên rửa và lộn bao quy đầu cho con. Nếu thấy khó lộn hoặc bao quy đầu bị dính lại thì nên đi khám để chẩn đoán. Tiến sĩ Thái cho hay, việc xử lý hẹp bao quy đầu ở trẻ khá đơn giản, chỉ cần cắt chỗ chít hẹp ở quy đầu. Trước đây, người ta thường can thiệp bằng phương pháp cắt vành khăn vùng bao quy đầu. Tuy nhiên, cách làm này thường mất nhiều da và ảnh hưởng đến chức năng sinh dục, vì thế hiện nay phương pháp thường được áp dụng là mổ vạt. Ngoài ra, còn có phương pháp nong nhưng theo nhiều bác sĩ, cách này dễ gây đau và viêm nhiễm.
Việc xử lý hẹp bao quy đầu cần thực hiện càng sớm càng tốt (1- 2 tuổi) và muộn nhất là trước tuổi dậy thì. Bởi nếu để quá tuổi trưởng thành mới can thiệp, bao quy đầu sẽ khó bóc tách hết, chưa kể những trường hợp đã có biến chứng xơ chai hoặc ung thư do "tù hãm" quá lâu. Khi đó, dương vật đã có viêm mạn tính biến đổi thành tiền ung thư hoặc ung thư.
Biểu hiện của hẹp bao quy đầu: - Nước tiểu đọng lại ở bao quy đầu làm cho đầu dương vật phồng lên, một lát sau mới chảy ra hết. - Bao quy đầu hay bị viêm với triệu chứng sưng đỏ, mọng nước. - Chất tiết đọng lại thành hạt, mảng trắng, sờ vào như hạt đậu hoặc vòng nhẫn cứng ở đầu dương vật. Khi trưởng thành, hẹp bao quy đầu làm cho đau khi dương vật cương cứng, có khi còn không cương được. |
(Theo Người Lao Động)
(Theo Người Lao Động)