Theo BBC, tại Facebook, không chỉ có một mà hai CEO. CEO thứ nhất là Mark Zuckerberg - một người thuộc thế hệ 8x, mặc áo phông, quần jean, từng bỏ học đại học. Ông là một kỹ sư, một chuyên gia công nghệ tạo nên mạng kết nối có thể nói là lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Thứ hai là Mark Sorryberg - một kẻ độc tài công nghệ, mặc bộ vest không vừa vặn, xuất hiện ở Washington và bị chỉ trích từ việc can thiệp vào bầu cử, giết chết sự dân chủ, thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan cho đến việc không đóng đủ tiền thuế.
Gọi là Sorryberg bởi suốt 14 năm qua, "sorry" (xin lỗi) dường như từ dễ nhất được thốt ra từ người đứng đầu Facebook. Năm 2006, khi giới thiệu News Feed khiến người dùng tức giận, "Sorryberg" viết trên blog: "Chúng tôi đã mắc sai lầm lớn. Tôi xin lỗi". Năm 2007, khi công cụ Beacon cho phép nhà quảng cáo theo dõi hoạt động của người dùng, thông điệp cũ lại xuất hiện trên blog: "Chúng tôi đã làm điều tồi tệ. Tôi xin lỗi".
Và cứ thế, năm này qua năm khác, những lời xin lỗi lặp lại nhiều hơn, như khi Mark Sorryberg trả lời CNN vài ngày sau khi bê bối Cambridge Analytica bị phanh phui: "Chúng tôi đã sai. Tôi thực sự hối tiếc về những gì đã xảy ra".
Với lời lẽ như thế, Sorryberg tới Washington để đối mặt với khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử của mạng xã hội. Tại đây, hai câu "Tôi xin lỗi" và "Chúng tôi đang xử lý" vẫn liên tục được nhắc lại từ miệng CEO 33 tuổi.
Sau gần 10 giờ chất vấn tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ, Facebook lại còn giàu hơn cả khi hai cuộc điều trần chưa diễn ra. Facebook đang thắng, dù chỉ mang tính tạm thời.
Mô hình chất vấn lần này đã không thành công. Thời gian cho mỗi Thượng nghị sĩ dài không quá 5 phút và Hạ nghị sĩ không quá 4 phút. Vì thế, đây đơn thuần là một cuộc hỏi đáp, chứ không phải chất vấn bởi bạn không thể gây sức ép, xoáy sâu vào vấn đề trong thời gian ngắn như vậy.
Phiên điều trần tại Hạ viện căng thẳng hơn, nhưng vẫn không thực sự gay cấn như mong đợi bởi nhiều câu hỏi cần thiết chưa được đưa ra, chưa đánh được vào điểm yếu của Mark Zuckerberg. Chẳng hạn, chính Zuckerberg đã đề cập đến việc dữ liệu mà giảng viên Kogan thu thập không chỉ được bán cho Cambridge Analytica mà còn cho một số bên khác. Nhưng ông không nói rõ là bên nào và cách thức ra sao. Đáng lẽ, ông cũng phải bị ép trả lời đến cùng việc lấy lại những dữ liệu đã rơi vào tay kẻ xấu khó như thế nào...
Người xem cũng có thể thấy được sự vụng về, lúng túng của Zuckerberg trong lần đầu tiên ra điều trần. Cà vạt được thắt lỏng, những câu trả lời ngập ngừng và điệu cười căng thẳng không toát lên được sự quyền lực của người đứng đầu "đế chế" 2 tỷ thành viên.
Nhưng ông cũng duy trì được sự điềm tĩnh và lịch thiệp, nhờ đó lấy lại được niềm tin cho các nhà đầu tư và giá trị công ty tăng 6%, tương đương 26 tỷ USD, cũng như mang lại cho Zuckerberg thêm 3 tỷ USD.
Tuần này không phải là thảm hoạ đối với mạng xã hội lớn nhất thế giới như nhiều người mong muốn. Trong khi đó, các nghị sĩ đã bỏ lỡ cơ hội làm rõ những vấn đề của Facebook, như Chủ tịch Ủy ban Thương mại Hạ viện Greg Walden từng nói trước đó là: "Cuộc điều trần là dịp quan trọng để làm sáng tỏ các vấn đề thiết yếu về bảo mật dữ liệu người dùng, cũng như giúp người Mỹ hiểu rõ hơn chuyện gì xảy ra với thông tin cá nhân của họ trên mạng".
Nhà hoạt động chính trị Zephyr Teachout chia sẻ trên Guardian: "Đáng ra chúng ta phải đối xử với anh ta (Zuckerberg) như một mối nguy đối với dân chủ và yêu cầu các thượng nghị sĩ tiến hành một cuộc điều trần thật sự".
Theo BBC, Mark Sorryberg đã ghi bàn trước các nghị sĩ Mỹ dù lẽ ra, họ phải thắng dễ dàng. Nhưng nếu đến nước Anh, ông sẽ không có một hành trình dễ chịu như hai ngày qua.