Giữa tháng 3, báo New York Times đăng bài viết gây chấn động về việc công ty Cambridge Analytica (CA) của Anh thu thập thông tin liên quan đến 50 triệu người dùng Facebook (sau đó được xác định lại là 87 triệu tài khoản) mà họ không hề hay biết.
Cụ thể, từ năm 2014, Aleksandr Kogan, giảng viên tại Đại học Cambridge (Anh) đã phát triển một ứng dụng Facebook trả tiền cho hàng trăm nghìn người dùng nếu họ đồng ý tham gia một khảo sát tâm lý cũng như đồng ý chia sẻ thông tin như tên tuổi, địa chỉ, những nội dung họ đã "like". Tuy nhiên, họ không biết rằng ứng dụng đó còn thu thập cả thông tin về những người trong danh sách bạn bè của họ rồi bán lại cho công ty Cambridge Analytica - cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 của ông Donald Trump.
Đây tưởng chừng chỉ là bê bối của CA, nhưng Facebook vẫn phải hứng chịu nhiều chỉ trích bởi như các chuyên gia nhận định, CA chẳng thể làm được gì nếu như bản thân Facebook không "bật đèn xanh" hoặc thực sự mạnh tay trước những thương vụ chính trị như vậy. Nghiêm trọng hơn, sự cố diễn ra khi Facebook đang phải vật lộn với các thông tin giả mạo cùng cáo buộc nhận tiền của người Nga để hiển thị những quảng cáo "gây chia rẽ chính trị", tác động đến kết quả bầu cử 2016.
"Chúng tôi đã sai rồi. Tôi thực sự xin lỗi vì những gì đã xảy ra", Mark Zuckerberg lên tiếng trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 22/3.
Tuy nhiên, lời xin lỗi vẫn chưa đủ. Lòng tin của cả người dùng lẫn nhà đầu tư giảm sút, giá cổ phiếu lao dốc. Những đơn kiện đầu tiên đã được gửi lên toà án bang. Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) tuyên bố mở cuộc điều tra về hoạt động bảo vệ quyền riêng tư người dùng của Facebook. Các chính trị gia yêu cầu người đứng đầu mạng xã hội lớn nhất thế giới phải ra điều trần trước Quốc hội.
Ngày 27/3, Mark Zuckerberg từ chối có mặt tại buổi chất vấn trước Nghị viện Anh liên quan đến scandal của Cambridge Analytica, mà cử hai lãnh đạo cấp cao của công ty đi thay. Hành động này khiến CEO 33 tuổi bị chỉ trích là "hèn nhát" và "lạ lùng". "Không chỉ hèn nhát, mà là hoàn toàn không thể chấp nhận được", Tom Watson, Phó lãnh đạo đảng Lao động Anh, nhận định.
Tới 4/4, Facebook cho biết ông chủ của họ đã đồng ý ra điều trần trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ trong hai ngày 10/4 và 11/4 - quyết định được đánh giá là bước ngoặt lịch sử với mạng xã hội vì nếu Mark Zuckerberg không giải đáp thoả đáng các vấn đề, các nhà lập pháp Mỹ có thể sẽ siết chặt hoạt động của Facebook.
"Cuộc điều trần là cơ hội quan trọng để làm sáng tỏ các vấn đề thiết yếu về bảo mật dữ liệu người dùng, cũng như giúp người Mỹ hiểu rõ hơn chuyện gì xảy ra với thông tin cá nhân của họ trên mạng", Chủ tịch Ủy ban Thương mại Hạ viện Greg Walden đánh giá.
Đứng trước thử thách được báo chí đánh giá là căng thẳng nhất trong đời của Mark Zuckerberg, CEO Facebook sẽ tập trung trả lời hai vấn đề: Chuyện gì đã xảy ra và Chúng tôi cần làm gì, liên quan đến mối quan hệ giữa Facebook và Cambridge Analytica, giữa Facebook với nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ, vai trò của các bên và họ đang nỗ lực xử lý ra sao.
Phiên điều trần đầu tiên: Bình yên
Ngày 10/4, Mark Zuckerberg xuất hiện tại Điện Capitol trong trang phục vest xanh đậm, áo sơ mi trắng và cà vạt xanh dương thay vì mặc áo phông xám thường thấy. Rất nhiều người tham gia đã đến sớm hàng giờ để có được vị trí đẹp trong phòng điều trần.
Trong buổi chất vấn kéo dài tới 5 tiếng ở Thượng viện, Mark Zuckerberg nhận 44 câu hỏi từ các Thượng nghị sĩ - con số được đánh giá là cao bất thường. Giới truyền thông chờ đợi những cuộc tranh cãi gay cấn, những câu hỏi dồn dập, mạnh mẽ, khiến CEO Facebook phải toát mồ hôi.
Tuy nhiên, các Thượng nghị sĩ lại tỏ ra quá "hiền", một phần bởi họ không am tường công nghệ và không thực sự hiểu cách vận hành của Facebook. Thậm chí, không ít lần Zuckerberg phải ngẩn người, hoặc trả lời sau một nụ cười nhẹ.
"Nhìn chung, Zuckerberg đã bình an trải qua phiên điều trần, không chịu nhiều áp lực khi các Thượng nghị sĩ tỏ ra nhẹ nhàng hơn kỳ vọng", tạp chí Fortune nhận định.
Tại đây, Zuckerberg một mực khẳng định họ là công ty công nghệ chứ không phải công ty truyền thông, những lần đầu thừa nhận Facebook nên có trách nhiệm về nội dung. Ông cũng đẩy trách nhiệm cho giảng viên Aleksandr Kogan và công ty Cambridge Analytica, cho rằng mình bị lợi dụng. CEO Facebook cũng tuyên bố không sử dụng microphone trên điện thoại để theo dõi người dùng, đồng thời hứa hẹn dùng các công cụ AI để lọc nội dung xấu.
Những khoảnh khắc ấn tượng của Mark Zuckerberg ở phiên điều trần đầu tiên.
USA Today cho rằng, nội dung buổi điều trần của Mark Zuckerberg tóm gọn trong 2 câu: "Tôi xin lỗi" và "Chúng tôi đang xử lý việc này". Phong thái tự tin, khôn khéo, luôn miệng nhận sai, cộng với việc câu hỏi thiếu trọng tâm của các Thượng nghị sĩ khiến hình ảnh Zuckerberg được cải thiện đáng kể. Cổ phiếu của Facebook sau đó đã tăng tới 4,5% lên hơn 165 USD - cao nhất trong 3 tuần qua.
Phiên điều trần thứ hai: Căng thẳng
Rút kinh nghiệm từ phiên đầu, Hạ viện Mỹ đã chất vấn dồn dập, đi sâu vào vấn đề hơn, đặc biệt là từ các nữ nghị sĩ. Bị đặt câu hỏi khó, Zuckerberg nhiều thời điểm tỏ rõ sự căng thẳng, thậm chí không ít lần bị các nghị sĩ cắt ngang, đề nghị trả lời đúng trọng tâm câu hỏi.
Mark Zuckerberg căng thẳng trong phiên điều trần thứ hai.
Để chuẩn bị cho hai phiên điều trần, Mark Zuckerberg và đội ngũ của ông chuẩn bị tài liệu hàng trăm trang, giúp ông phản ứng nhanh và đưa ra câu trả lời thuận lợi. Nhưng các hạ nghị sĩ không chỉ hỏi về bảo mật, về quyền riêng tư, họ chất vấn cả về việc tại sao Facebook kiểm duyệt thông tin của hai phụ nữ ủng hộ Donald Trump, về việc lọc nội dung xấu hay cách đối phó với các quảng cáo liên quan đến hàng lậu, chất gây nghiện... trên Facebook.
CEO Facebook bị chỉ trích vì "thói quen" liên tục xin lỗi trong suốt 14 năm điều hành mạng xã hội nhưng không thành tâm giải quyết triệt để các vấn đề. Ông cũng bị mắng khi tỏ ra không biết cả những chức năng cơ bản của mạng xã hội, không biết đến những vụ kiện về quyền riêng tư, hay không biết có bao nhiêu nút Like đang được đặt bên ngoài Facebook...
Tại phiên thứ hai, Zuckerberg nhiều lần thừa nhận họ theo dõi các hoạt động của người dùng, nhưng hoàn toàn không bán dữ liệu người dùng. Mạng xã hội lưu lại thông tin về những trang web người dùng đã ghé thăm kể cả khi họ đã đăng xuất như là "một biện pháp phòng ngừa và để đảm bảo các quảng cáo tiếp cận mục tiêu hiệu quả". Thậm chí, Facebook thu thập thông tin về những người không đăng ký tài khoản Facebook vì "mục đích an ninh".
Zuckerberg cũng tiết lộ thông tin cá nhân của ông nằm trong số dữ liệu bị giảng viên Aleksandr Kogan bán cho bên thứ ba. Hiện chưa rõ Zuckerberg đã trực tiếp tham gia khảo sát tâm lý của Kogan, hay bị thu thập thông qua người đã kết bạn với ông.
Tuy còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp thoả đáng, hai màn trình diễn kéo dài 10 tiếng của Mark Zuckerberg trước lưỡng viện được đánh giá cao, thể hiện sự trưởng thành của CEO 33 tuổi, không còn là cậu bé 19 tuổi khi bắt đầu tạo ra Facebook 14 năm trước tại khu ký túc của Đại học Harvard. Cổ phiếu Facebook tiếp tục tăng thêm 1% sau phiên điều trần thứ hai bất chấp các chỉ số chứng khoán đi xuống do căng thẳng giữa Mỹ và Syria.