Trong sự kiện Meta Connect ngày 11/10, CEO Mark Zuckerberg cố gắng thuyết phục rằng metaverse sẽ là điểm đến hấp dẫn của tương lai. Ông muốn truyền đi thông điệp đến các nhà đầu tư rằng khoản tiền họ rót vào công nghệ mới là xứng đáng.
Tuy nhiên, phản ứng của cộng đồng trái ngược với sự phấn khích của ông. Công ty trình làng kính thực tế ảo giá 1.500 USD và giới thiệu hình đại diện có chân trong metaverse. Business Insider mô tả Zuckerberg hào hứng với đôi chân đến nỗi đã "nhảy cẫng lên vì sung sướng khi nói về chúng". Còn Axios đặt câu hỏi: "Quest Pro là mẫu kính VR mạnh mẽ, nhưng dành cho ai?". Trang này thậm chí ví thiết bị với Zune và Windows Mobile - hai sản phẩm từng được Microsoft quảng bá rầm rộ nhưng sớm thất bại.
Ông chủ Meta đã đốt 10 tỷ USD vào dự án metaverse nhưng vẫn chưa cho thấy kết quả gì rõ ràng. Hồi tháng 2, Meta cho biết vũ trụ ảo Horizon Worlds thu hút 300.000 người dùng, con số nhỏ so với 2,9 tỷ người dùng Facebook, và từ đó không cập nhật số liệu mới. Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát sao dự án khi cổ phiếu của Meta đã giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia đánh giá, việc cần làm với Meta lúc này là tập trung sửa những sai lầm, thay vì cuốn vào thứ xa rời hiện tại như vũ trụ ảo. "Nếu Bill Gates có thể rời Microsoft, hay Larry Page và Sergey Brin nhận thấy đã đến lúc chuyển giao Google cho người khác, Zuckerberg cũng nên làm điều tương tự", Business Insider nhận định.
Hai nền tảng đem đến lợi nhuận khổng lồ cho công ty là Facebook và Instagram cũng giảm dần sự hấp dẫn. Cuối năm ngoái, Meta cho biết số lượng người dùng Facebook lần đầu bị thu hẹp. Công ty đang mất người dùng trẻ vào tay TikTok. Trong nội bộ, Meta cũng đối mặt nhiều rắc rối khác. Họ đang chuẩn bị cho một đợt sa thải nhân sự. Các lãnh đạo cấp cao lần lượt rời đi, còn nhân viên thậm chí gọi metaverse là dự án để "làm vui lòng Zuckerberg".
Trước đó, trong phiên điều trần tháng 10/2021, cựu quản lý Frances Haugen cho biết Zuckerberg có phong cách lãnh đạo độc đoán, không bị lay chuyển khi đã đưa ra quyết định.
Với sự độc đoán đó, không ít lần các nhà đầu tư kêu gọi ông rời vị trí điều hành. Từ năm 2019, hồ sơ Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) cho thấy gần 68% nhà đầu tư Facebook yêu cầu người đứng đầu mạng xã hội lớn nhất thế giới từ nhiệm. Dù tỷ lệ áp đảo, điều này ít có tác dụng vì Zuckerberg kiểm soát đa số cổ phiếu có quyền biểu quyết trong công ty.
Nhiều nhà sáng lập công nghệ lớn khác như Jack Dorsey của Twitter hay Travis Kalanick của Uber đã bắt đầu theo đuổi dự án mới mà họ đam mê thay vì quanh quẩn trong bức tường của sản phẩm ban đầu. Với khoản tiền khổng lồ và những mối quan hệ của mình, Zuckerberg được cho là cũng có thể tự xây dựng "thế giới mới" mà không phải lo lắng về hàng triệu người dùng từ nền tảng cũ.
Theo giới chuyên gia, một công ty khởi nghiệp có thể mang đến cho Zuckerberg nhiều tự do để theo đuổi tầm nhìn. Ông cũng có thể dễ dàng mua lại những công ty metaverse khác mà không bị cơ quan quản lý dò xét. Nếu thấy Facebook, Instagram không còn phù hợp với tầm nhìn mới, ông có thể rút lui, để lại nó cho người khác và tùy ý theo đuổi giấc mơ.
Khương Nha