"Tôi nghĩ Facebook sẽ không thể hoạt động tốt chừng nào Zuckerberg còn ở đó. Ông ấy có thể là một trong những lý do khiến nhiều người quay lưng với công ty. Ông ấy đang lạc lối", Bill George, giảng viên cấp cao tại Trường Kinh doanh Harvard, nói với CNBC. George là cựu CEO công ty công nghệ y tế Medtronic và có thâm niên 20 năm chuyên nghiên cứu về thất bại của lãnh đạo thuộc các doanh nghiệp hàng đầu.
Theo ông, Zuckerberg trở thành tỷ phú khi thành công với các chiến lược cho mạng xã hội Facebook, nhưng sẽ thất bại nếu theo đuổi tham vọng metaverse. Các lý do được ông nêu trong cuốn True North: Năm kiểu sếp tồi và Zuckerberg được lấy làm dẫn chứng tới ba trong số đó.
Hợp lý hóa những sai lầm
George đánh giá Zuckerberg không sẵn sàng thừa nhận hoặc học hỏi từ những sai lầm của chính mình. Thay vào đó, ông chủ Meta tìm cách hợp lý hóa sai lầm bằng cách đổ lỗi cho người khác.
Chẳng hạn, hồi tháng 2, Meta mất hơn 232 tỷ USD giá trị vốn hóa - mức giảm lớn nhất trong một ngày trong lịch sử thị trường chứng khoán Mỹ. Khi đó, Zuckerberg và một số lãnh đạo công ty đổ lỗi rằng sự thay đổi chính sách riêng tư của Apple trên iOS khiến mô hình quảng cáo của mạng xã hội gặp khó, cũng như sự cạnh tranh ngày càng tăng của nền tảng video ngắn TikTok.
Theo George, những lý do trên đúng là có thể tác động khiến Meta sụt giảm giá trị, nhưng không phải tất cả. Việc Zuckerberg đầu tư quá nhiều tiền vào vũ trụ ảo mới là nguyên nhân chính. Báo cáo tài chính của Meta thể hiện công ty lỗ 10 tỷ USD vào 2021 và gần ba tỷ USD trong quý II/2022 vì metaverse. Zuckerberg chưa nhận trách nhiệm về các khoản lỗ này. Trong cuộc họp cổ đông vào tháng 5, ông thậm chí dự đoán sẽ tiếp tục lỗ "số tiền đáng kể" trong 3-5 năm tới, phần lớn cho tham vọng vũ trụ ảo.
Người cô độc không chấp nhận lời khuyên
Mark Zuckerberg được cho là đang tự biến mình trở thành người cô độc, luôn tránh hình thành các mối quan hệ thân thiết và đẩy người khác ra xa. Những lãnh đạo kiểu này không chấp nhận lời khuyên hay phản hồi và khiến họ dễ mắc sai lầm.
Thực tế, khi xây dựng Facebook, Zuckerberg luôn lắng nghe lời khuyên từ các cố vấn. Một trong số đó là Roger McNamee, người đồng sáng lập Elevation Partners và là nhà đầu tư đầu tiên vào Facebook. Năm 2006, McNamee khuyên Zuckerberg từ chối lời đề nghị mua lại Facebook với giá một tỷ USD từ Yahoo. Cũng chính ông khuyến khích Zuckerberg thuê Sheryl Sandberg, người đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mạng xã hội sau này.
Thế nhưng, khi mạng xã hội phát triển mạnh hơn, người đứng đầu Meta chuyển sang tự quyết định gần như mọi thứ. "Zuckerberg cuối cùng đã ngừng lắng nghe", McNamee nói với The New Yorker năm 2019.
McNamee từng cố gắng cảnh báo Zuckerberg về việc mạng xã hội có thể trở thành nền tảng bị lợi dụng để can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Ông chủ Facebook được cho là đã phớt lờ ý kiến này nhiều tháng, trước khi bê bối Cambridge Analytica xảy ra.
Đặt danh tiếng và tài sản lên hàng đầu
"Zuckerberg là người theo đuổi vinh quang một cách bất chấp, đặt danh tiếng và tài sản lên trên bất cứ thứ gì khác", George nói. "Những kiểu sếp này không bao giờ thực sự hài lòng với những gì họ có, sẵn sàng làm những việc cực đoan để đạt được mục đích".
Thực tế, nhận định này đã được chứng minh trong quá khứ. Ví dụ, hồi tháng 9/2021, Wall Street Journal đăng nghiên cứu nội bộ của Meta cho thấy, nền tảng Instagram đang góp phần gây ra vấn đề về sức khỏe tâm thần của người dùng, đặc biệt là các thiếu nữ. Tuy nhiên, thay vì tìm cách khắc phục, ban lãnh đạo Meta đã chọn bỏ qua vấn đề để tránh tác động đến tăng trưởng của công ty.
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng Zuckerberg chính là vấn đề lớn nhất của Meta. Một số nguồn nội bộ cho biết, Zuckerberg có phong cách lãnh đạo rất độc đoán, không thể bị lay chuyển khi đã đưa ra quyết định. Nếu cảm thấy điều gì không ổn, ông có thể thay đổi và không ai can thiệp gì được.
Một số cựu nhân viên Facebook tiết lộ, quyền lực của Zuckerberg tại Meta rất lớn. Một mình ông có thể quyết định việc cấu hình thuật toán của mạng xã hội để xác định những gì mọi người nhìn thấy trong News Feed, những cài đặt riêng tư nào có thể sử dụng và thậm chí cả những tin nhắn nào được gửi đi. Ông tự ra các quy tắc về cách nền tảng phân biệt lời nói bạo lực và kích động với lời xúc phạm đơn thuần. Ông cũng hạ gục đối thủ cạnh tranh bằng cách thâu tóm, chặn hoặc sao chép tính năng trong đó.
Với những hành động độc đoán, không ít lần các nhà đầu tư kêu gọi Zuckerberg rời vị trí điều hành. Theo hồ sơ của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) năm 2019, 68% các nhà đầu tư Facebook yêu cầu người đứng đầu mạng xã hội lớn nhất thế giới từ nhiệm. Dù tỷ lệ áp đảo, điều này mang lại rất ít tác dụng vì Zuckerberg kiểm soát đa số cổ phiếu có quyền biểu quyết trong công ty.
Bảo Lâm (theo CNBC)