Đọc câu hỏi 'Bị mỡ máu có nên kiêng ăn cơm?' và câu trả lời của bác sĩ:
"Bệnh mỡ máu do nhiều nguyên nhân như di truyền, bệnh nền, tuổi, tinh thần stress, mệt mỏi, dinh dưỡng không lành mạnh. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, bác sĩ có chỉ định và khuyến cáo phù hợp.
Tuy nhiên, người bị mỡ máu không nhất thiết phải kiêng ăn cơm hay bỏ hoàn toàn tinh bột. Thay vào đó, bạn nên duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, không rượu bia, chất kích thích, hút thuốc lá, tăng cường vận động..."
Tôi thấy nhiều người đổ lỗi vì cơm chứa nhiều tinh bột... làm họ béo. Ông bà ta ngày xưa quanh năm chỉ ăn cơm thế nhưng hầu như chẳng ai béo. Tôi có cô bạn, năm lần bảy lượt thề phải giảm cân, bước đầu tiên là... không ăn cơm, cắt tinh bột.
Bù lại, chuyển qua ăn bún gạo lứt, cơm gạo lứt... nhưng thức ăn thì phong phú, nhiều dầu mỡ ăn kèm.
Nói chung, đây có thể là một 'hội chứng'. Tôi thấy bữa ăn hàng ngày, nhiều người chọn nấu những món mặn, đậm vị cốt để ăn nhiều cơm nhất có thể, chẳng hạn món thịt luộc, cà pháo mắm tôm, ba rọi xào mắm ruốc, các loại mắm...
Bởi thế, có lần rủ cô bạn đi ăn cơm kiểu eat clean, bao gồm trứng luộc và rau củ quả luộc, bạn tôi lại bảo sao nhạt miệng quá.
Những món "đưa cơm" – thường có vị đậm đà, mặn mà và nhiều dầu mỡ. Thế nhưng những món ăn này có sức quyến rũ kỳ lạ, khiến ta cứ muốn gắp thêm, ăn thêm, đến khi no căng bụng mới chịu dừng. Sức hấp dẫn của các món này làm ta ăn mãi không biết chán, và mỗi bữa lại thêm một ít mỡ thừa mà chẳng hề hay biết.
Lỗi không nằm ở món ăn, mà ở cách ta thưởng thức: vì quá say mê, ta quên lắng nghe cơ thể báo hiệu đã đủ. Không vận động mà lại tiếp tục "đưa cơm" không ngừng, hậu quả là mỡ tích ngày một dày. Vì vậy, hãy tỉnh táo một chút, đừng để những món "đưa cơm" biến thành "kẻ thù" cho vòng eo của nhiều người".
*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết kinh nghiệm giảm cân tại đây.
Bá Thông