Trả lời:
Thụ tinh nhân tạo (IVF) không nằm trong trường hợp chống chỉ định tiêm chủng. Vì vậy, bạn vẫn có thể tiêm vaccine như những thai phụ khác. Với tình trạng thai ổn định, bạn có thể tiêm chủng tại cơ sở tiêm chủng dịch vụ hoặc tại bệnh viện.
Có hai nhóm vaccine cần chủng ngừa trong thai kỳ, gồm mũi ngừa cúm và bạch hầu - ho gà - uốn ván, đều an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Vaccine cúm phòng nhiễm bệnh và tránh các biến chứng của cúm như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, dị tật thai nhi, sảy thai, sinh non, thai chết lưu.
Vaccine có thành phần uốn ván giúp bảo vệ mẹ và bé, phòng ngừa nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể gây bệnh thông qua các vết thương hở trong kỳ sinh nở. Mũi tiêm cũng giúp phòng bạch hầu và ho gà, là hai bệnh dễ lây qua đường hô hấp, gây biến chứng nặng ở cả thai phụ và trẻ sơ sinh. Tiêm vaccine cho mẹ còn giúp truyền kháng thể cho thai nhi, bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời khi chưa đến tuổi tiêm chủng.
Hai vaccine trên cần tiêm trong ba tháng giữa hoặc cuối thai kỳ. Vaccine cúm chỉ cần tiêm một mũi và nhắc lại mỗi năm. Vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván tiêm hai mũi cách nhau một tháng đối với người lần đầu mang thai và chưa từng chủng ngừa loại này. Đối với người mang thai lần hai và đã tiêm vaccine, chỉ cần tiêm thêm một mũi. Mũi bạch hầu - ho gà - uốn ván cuối cùng cần cách thời điểm sinh tối thiểu một tháng để kịp sinh kháng thể bảo vệ mẹ và bé.
Khi đi tiêm chủng, mẹ bầu cần chuẩn bị các thông tin về số tuần thai, tình trạng thai cũng như các thuốc đang sử dụng nếu có. Việc này giúp bác sĩ khám sàng lọc và đưa ra quyết định tiêm phù hợp. Trước khi tiêm cần ngủ đủ giấc, uống đủ nước để giảm các phản ứng thông thường sau tiêm như sốt, đau cơ, sưng đau tại vết tiêm. Sau tiêm, mẹ nên vận động nhẹ nhàng để hỗ trợ cơ thể sản sinh kháng thể tốt hơn.
Bác sĩ Bùi Công Sự
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả gửi câu hỏi để bác sĩ tư vấn tại đây.