* Liverpool - Man Utd: 23h30 Chủ Nhật, 17/1, giờ Hà Nội.
Thế giới hiện tại khác nhiều so với tám năm trước. Khi ấy, Liên hiệp Anh vẫn thuộc Liên minh châu Âu (EU), Donald Trump hãy còn là một doanh nhân, và toàn cầu chưa phải ứng phó với dịch bệnh. Ở Man Utd, HLV Alex Ferguson tại vị thêm một mùa giải ngoài dự kiến, vì muốn chia tay trên đỉnh cao. Và ông được toại nguyện với chức vô địch Ngoại hạng Anh mùa 2012-2013.
Bối cảnh ngày đó của Ngoại hạng Anh cũng khác với bây giờ. Sau 17 vòng đấu, Man Utd giữ đỉnh bảng với sáu điểm nhiều hơn Man City. Nhưng Liverpool không thật sự là một ứng viên đua vô địch. Khi đó, Brendan Rodgers vẫn loay hoay vá víu những lỗ hổng từ con tàu mà Kenny Dalglish để lại. Liverpool có vấn đề ngay từ những người mà họ mua trong kỳ chuyển nhượng Hè - một danh sách gây cười nếu bây giờ nhìn lại, gồm: Fabio Borini, Joe Allen và Oussama Assaidi.
Một thế lực khác là Chelsea cũng không ở đỉnh cao. Mùa đó, họ sử dụng hai HLV - Roberto Di Matteo và Rafael Benitez, và cả hai đều không thành công. Chỉ có Man City, dưới trướng Roberto Mancini và được đầu tư vô số tiền của - là một thế lực hùng mạnh, vừa viết lại lịch sử với chức vô địch mùa 2011-2012 nhờ cú đá quyết định của Sergio Aguero vào lưới QPR trong những giây phút cuối cùng của mùa giải. Cú đá đó là một phần lý do khiến Sir Alex chưa giải nghệ.
Chiến thắng 1-0 trên sân Burnley hôm thứ Ba vừa qua giúp Man United lần đầu lên đỉnh bảng Ngoại hạng Anh sau 40 tháng. Và lần đầu tiên kể từ mùa giải 2012-2013, họ có thể nói về chức vô địch. Đó là một chiến thắng thuyết phục, ngày mà các ngôi sao Man Utd đồng loạt cho thấy giá trị của mình.
Paul Pogba ghi bàn duy nhất, gợi nhớ hình ảnh của người từng cùng Pháp vô địch thế giới năm 2018. Bruno Fernandes là thủ lĩnh chỉ huy từ đỉnh hàng tiền vệ, trong khi bộ ba tấn công Martial - Rashford - Cavani phối hợp nhịp nhàng. Ngoài bàn thắng bị từ chối, Harry Maguire cũng làm việc tuyệt vời ở khía cạnh phòng ngự.
Công đầu thuộc về Ole Gunnar Solskjaer, người đã giúp các học trò đứng vững trước nhiều chỉ trích. Công bằng mà nói, đội hình Man Utd mùa này đồng đều hơn cả thế hệ tám năm trước. Mọi vị trí trên sân, nếu không phải trụ cột tại ĐTQG, thì cũng là những lão tướng, từng hay bậc nhất ở vị trí của họ - như Matic và Cavani.
Hãy điểm qua đội hình mùa 2012-2013: De Gea - Rafael, Ferdinand, Evans, Evra - Carrick, Cleverley - Valencia, Rooney, Young - Van Persie. Ít nhất năm vị trí không phải nhân vật ở đẳng cấp hàng đầu. Đó là Rafael, Evans, Cleverley, Valencia, và Young.
Điểm giống nhau nhất giữa hai thời kỳ là họ đều phụ thuộc vào một cá nhân. Man Utd hiện nay đi trên đôi chân của Bruno Fernandes, còn Man Utd tám năm trước sống bằng hơi thở của Van Persie.
Đó là giai đoạn đỉnh cao của chân sút người Hà Lan, với hai lần liên tiếp giành ngôi Vua phá lưới Ngoại hạng Anh. Mua anh từ Arsenal là một nước cờ cao tay của Ferguson, bước đi vừa giúp triệt tiêu sức mạnh đối thủ, vừa cho "Quỷ Đỏ" một vũ khí hạng nặng. Các bàn thắng của Van Persie không chỉ đều đặn, mà còn đến vào những thời điểm quan trọng. Cú sút phạt hạ Man City 3-2 trên sân Etihad là ví dụ.
Nếu Van Persie có trận thắng Man City 3-2, thì Bruno Fernandes có chiến thắng cùng tỉ số trước Southampton. Tiền vệ người Bồ Đào Nha ghi bàn rút ngắn cách biệt xuống 1-2, tạo đà cho Edinson Cavani ghi liền hai bàn nữa để lật thế cờ.
Fernandes thay đổi bộ mặt đội bóng kể từ khi cập bến vào tháng 1/2020. Anh đóng góp vào 27 bàn thắng, 17 đường kiến tạo tính trên mọi đấu trường. Pha lập công trước Burnley là một quả tạt của Marcus Rashford và cú vô lê của Paul Pogba, nhưng Fernandes là người châm ngòi. Thậm chí, 15 bàn từ phạt đền cũng phản ánh tầm quan trọng của anh, vì nó là hệ quả của lối chơi phản công với tốc độ cao, khiến đối phương bất ngờ thay vì may mắn.
Fernandes thường xuyên chỉ đạt tỷ lệ chuyền chuẩn chừng 70%, nhưng không phải vì anh chuyền kém, mà vì các đường chuyền có tính mạo hiểm cao. Bruno không thường xuyên chuyền ngang hoặc chuyền về sân nhà. Anh chuyền vào điểm yếu của đối phương, nơi ít người nhìn ra. Vì lẽ đó, như Van Persie trước kia, Fernandes luôn đặt dấu ấn ở những thời điểm quan trọng.
Xây dựng đội bóng xoay quanh một nhân vật kiệt xuất là cách làm truyền thống ở Old Trafford. Trong gần 27 năm cầm quyền, Sir Alex luôn cố gắng tìm người như vậy. Đầu tiên ông mua Eric Cantona, sau đó sử dụng Roy Keane. Giai đoạn đỉnh cao những năm 2003 - 2009 gắn với tên tuổi Cristiano Ronaldo. Sau đó là Van Persie. Giống quá khứ, người ta nói về George Best hoặc Bobby Charlton.
Tuy nhiên, Van Persie được thi đấu trong một tập thể giàu kinh nghiệm trận mạc hơn nhiều so với đội hình mà Bruno phải lĩnh xướng ngày nay. Khi ấy, Nemanja Vidic ở tuổi 31, Rio Ferdinand đã 34, Patrice Evra 32 tuổi, Michael Carrick 31, Paul Scholes 38, Ryan Giggs 39 và ngay cả Van Persie cũng đã 29 tuổi. Trong khi giai đoạn hiện tại, những người ngoài 30 như Matic hay Cavani chỉ đóng vai phụ, thủ lĩnh thuộc về những người trẻ tuổi chưa nếm mùi ở đỉnh cao như Maguire, Rashford, Martial hoặc Wan-Bissaka.
Tám năm trước, ngay cả Rooney, Valencia (cùng 27 tuổi) hay Nani (26) hoặc thậm chí Rafael (22) cũng không phải gánh vác trách nhiệm nặng nề. Bây giờ, Maguire là đội trưởng. Rashford là chân sút số một. Tuyến giữa được đặt vào một Pogba chưa bao giờ được đánh giá cao ở khả năng lãnh đạo.
Do vậy, dù thế hệ tám năm trước không đồng đều, dưới bàn tay Ferguson và bản lĩnh của các siêu sao giàu kinh nghiệm, họ tiến băng băng. Man Utd 2012-2013 giành điểm rất đều đặn. Sau 17 vòng, họ có 42 điểm, nhiều hơn sáu so với Man Utd hiện tại. Họ thắng tới 14 trong 17 trận, nhiều hơn ba so với đội bóng của Solskjaer. Họ đuối vào cuối mùa, nhưng cũng bởi trước đó đã tích lũy điểm đủ nhiều. Cho đến cuối tháng Ba, Man Utd đã có 77 điểm sau 30 trận (thắng 25, hòa 2, thua 3), số điểm mà có lẽ, trong bối cảnh bất ổn ở mùa này, Solskjaer cũng đang mơ ước.
Đội hình nhiều người trẻ. Bản thân Solskjaer cũng chưa nhiều kinh nghiệm. Tính cạnh tranh của Ngoại hạng Anh hiện nay cao hơn nhiều so với tám năm trước, tron khi phải thi đấu trong hoàn cảnh dịch bệnh. Quá nhiều yếu tố cho thấy Man Utd của hiện tại khó đạt phong độ như thế hệ đàn anh. Khả năng duy trì phong độ ổn định của họ là dấu hỏi, và lần đầu lên đỉnh sau 17 vòng cũng chỉ được xem là bước tiến tạm thời, khi biến động của Ngoại hạng Anh giai đoạn này là rất khó lường.
Thế nên, dẫu không phải một thế hệ anh hùng, Man Uutd 2012-2013 của Sir Alex vẫn là những nhà vô địch so với đội hình hiện tại. Đó là sự đi xuống một chút của "kỷ nguyên Ferguson", nhưng vẫn trên tầm so với "Quỷ Đỏ" hôm nay.
*Lịch đấu - Kết quả Ngoại hạng Anh
*Bảng điểm Ngoại hạng Anh
Đỗ Hiếu