Trong cuộc tập trận Cope India 04 diễn ra từ ngày 15/2 đến 27/2/2004, tiêm kích MiG-21 Bison Ấn Độ đã đánh bại phi đội F-15C Mỹ với tỷ số 9:1, đồng nghĩa với việc Mỹ mất tới 9 phi cơ mới hạ được một chiến đấu cơ Ấn Độ. Đây được coi là sự kiện gây chấn động, khiến binh sĩ tham gia tập trận và nhiều quan chức quốc phòng Mỹ choáng váng trong suốt thời gian dài, theo RBTH.
Mỹ triển khai 6 tiêm kích hạng nặng F-15 thuộc Không đoàn số 3 đóng tại căn cứ Elmendorf, bang Alaska tới tham gia tập trận, đối thủ của họ là 18 tiêm kích MiG-21 Bison, MiG-27 và Su-30K do Nga chế tạo thuộc biên chế không quân Ấn Độ. "Điểm sáng gây bất ngờ trong cuộc tập trận chính là những chiếc MiG-21 Bison nhỏ bé", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.
Vào thời điểm Cope India 04 diễn ra, tiêm kích đa năng Su-30MKI mới chỉ phục vụ được hai năm và vẫn là khí tài hiện đại nhất của không quân Ấn Độ, khiến lực lượng này quyết định triển khai những chiếc Su-30K đời cũ hơn đến tập trận. Tuy nhiên, chúng vẫn thể hiện uy lực đáng kể khi phối hợp với các chiến đấu cơ MiG-21 và MiG-27.
Bước vào các tình huống không chiến trong tập trận, những chiếc Su-30K giữ khoảng cách và hạn chế tham gia cận chiến. Các phi công Su-30K tận dụng tối đa tính năng radar để phát hiện và theo dõi đối phương, lập bức tranh toàn cảnh chiến trường và chuyển dữ liệu tới phi đội MiG-21 qua đường truyền tốc độ cao. Bên cạnh đó, phi công Su-30K cũng duy trì liên lạc vô tuyến để thông báo mối đe dọa, cũng như cơ hội công kích cho đồng đội.
Bằng chiến thuật này, các tiêm kích MiG-21 Bison tắt radar để tránh đánh động phi đội F-15C và hoàn toàn dựa vào dữ liệu tác chiến do Su-30K cung cấp để tiếp cận máy bay Mỹ.
Phi công Ấn Độ còn kích hoạt hệ thống gây nhiễu Elta EL/L-8222 do Israel chế tạo để vô hiệu hóa radar AN/APG-63 rất mạnh trên máy bay Mỹ. Kết hợp với kích thước bé và diện tích phản xạ radar rất nhỏ, những chiếc MiG-21 có thể âm thầm áp sát đối phương trước khi bất ngờ tung đòn đánh giả định từ khoảng cách gần.
"Họ quyết định rất chính xác về thời điểm triển khai lực lượng tấn công. Đường truyền dữ liệu với trọng tâm là tiêm kích Su-30K cho phép họ nắm được mọi động thái của chúng tôi, sau đó ra quyết định công kích hay thu hồi lực lượng", đại tá Greg Newbech, trưởng đoàn phi công Mỹ tại Cope India 04, nhớ lại.
Kính ngắm gắn trên mũ bay (HMS) và tên lửa đối không tầm ngắn R-73 trở thành bộ đôi sát thủ của MiG-21 Bison, cho phép phi công khóa và tấn công theo hướng nhìn, thay vì phải hướng mũi máy bay về phía đối phương. "Tiêm kích Mỹ liên tục bị vỗ mặt bởi tên lửa R-73. Ngay cả khi bị phát hiện, MiG-21 Ấn Độ có thể vô hiệu hóa lợi thế sức mạnh của F-15 khi phóng đạn tới mục tiêu ở góc 90 độ so với mũi máy bay", Rogoway cho biết.
Trong suốt 13 ngày tập trận, các tiêm kích Mỹ liên tục lọt vào tầm ngắm của máy bay Ấn Độ và bị đánh bại trong 90% cuộc giao chiến.
"Kết quả tập trận phản ánh việc Ấn Độ có những chiến thuật tiên tiến hơn chúng ta tưởng. Khi họ áp dụng một kịch bản tác chiến và nhận thấy nó không hiệu quả, phi công Ấn Độ sẽ thông báo cho nhau để chuyển sang phương án khác ngay trong chiến đấu", đại tá Mike Snodgrass, chỉ huy Không đoàn số 3, thừa nhận sau cuộc tập trận.
Các sĩ quan Mỹ cũng thay đổi cách nhìn về phi công Ấn Độ, cho rằng họ đã đánh giá quá thấp đối thủ. "Tôi thấy cảm thương cho phi công nào đối mặt với không quân Ấn Độ và coi thường họ, anh ta sẽ không thể trở về nhà sau trận đánh", đại tá Newbech phát biểu.
Lầu Năm Góc sau đó tìm cách trấn an dư luận, cho biết phi đội F-15C tham gia Cope India 04 không được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động AN/APG-62(V2) hiện đại. Luận điểm này không nhận được sự tán thành khi toàn bộ lực lượng tiêm kích Ấn Độ cũng không được trang bị radar AESA.
Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định 6 chiếc F-15C chịu bất lợi khi phải đối đầu với số máy bay đông gấp ba lần, trong khi chỉ được giao chiến ở khoảng cách 30 km và không được sử dụng tên lửa đối không tầm trung AIM-120C AMRAAM.
"Dường như đó không phải một trận đánh công bằng, nhưng hãy tự hỏi xem nước nào sẵn sàng chi hàng triệu USD cho một cuộc tập trận với kết quả áp đảo như vậy? Chắc chắn đó không phải Ấn Độ với lực lượng chuyên nghiệp. Liệu Mỹ có sẵn sàng mang những khí tài hiện đại như F-15C đến Cope India 04 chỉ để bị đánh bại như vậy không?", Rogoway đặt dấu hỏi.
Việc New Delhi đặt ra các điều kiện hạn chế khi tập trận để cân bằng lợi thế là điều dễ hiểu, trong khi Mỹ chấp nhận yêu cầu dường như chỉ để có cơ hội đối đầu với một trong những phiên bản Su-30 hiện đại nhất thế giới khi đó.
Kết quả 9:1 có thể bắt nguồn từ học thuyết chiến đấu và huấn luyện của hai bên. Không quân Ấn Độ đề cao chiến thuật sử dụng nhiều loại chiến đấu cơ, hoạt động ở độ cao và đội hình đa dạng để hỗ trợ nhau. Ngược lại, không quân Mỹ khi đó vẫn áp dụng phương thức tác chiến dưới sự chỉ huy từ mặt đất hoặc máy bay cảnh báo sớm, khiến phi công mất khả năng tự quyết định khi thiếu lực lượng hỗ trợ.
"Phi công Mỹ được huấn luyện với niềm tin về sự bất khả xâm phạm được xây dựng từ sau chiến dịch không kích áp đảo nhằm vào Iraq trong hai cuộc chiến vùng Vịnh. Chiến thắng của Israel khi bắn hạ 82 máy bay Syria và chỉ bị hư hại hai tiêm kích F-15 năm 1982 càng khiến niềm tin này trở nên vững chắc. Cope India 04 đã phá vỡ hoàn toàn lối suy nghĩ đó, buộc Mỹ thay đổi phương thức huấn luyện không chiến sau này", học giả Rakesh Simha của Ấn Độ nhận xét.