Trong một bữa trưa cách đây vài tháng, Alan Ruck, nam diễn viên đóng vai Connor Roy trong Succession của HBO, cho biết đã cùng một đạo diễn thử sử dụng ChatGPT để xem liệu chatbot này có thể sáng tác kịch bản hay không. Cả hai yêu cầu AI viết cảnh Ruck vào vai lính cứu hỏa trong một khóa huấn luyện tân binh.
"Một cảm giác khó nói, đó là những ý tưởng sáo rỗng nhưng cũng đầy rắc rối", Ruck nói.
Việc ứng dụng AI tạo sinh vào điện ảnh đang là chủ đề gây ra nhiều ý kiến trái chiều và cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc đình công lớn nhất của người lao động ở kinh đô điện ảnh Hollywood trong 60 năm qua. Ruck, như nhiều nhà văn và diễn viên trong giới, lo lắng công nghệ này sẽ thay thế công việc và sản xuất nội dung, dù chất lượng chúng tạo ra hiện còn thấp.
Theo một số chuyên gia trong ngành giải trí, sự sợ hãi có vẻ hơi quá đà. Dù vậy, những lo lắng này không phải không có căn cứ, nhất là khi các công ty lớn tại Hollywood như Warner Bros hay Paramount đều đã ứng dụng AI trong sản xuất phim. Trong đó, Warner Bros được cho là đã gặp OpenAI để dùng ChatGPT cho việc xây dựng một số chương trình thuộc dịch vụ phát trực tuyến Max.
AI hiện được dùng để tăng tốc quá trình xây dựng bảng phân cảnh, sử dụng một loạt đồ họa để hình dung câu chuyện diễn ra như thế nào và cũng như để thiết kế bối cảnh, ví dụ giả lập một nhà hàng vào những năm 1960 trông ra sao. Nhà sản xuất cũng có thể sử dụng các bản sao kỹ thuật số của nhân viên để chỉnh sửa cảnh quay mà không cần phải quay lại cảnh đó, như biểu cảm khuôn mặt hay cảnh quay đầu. Ngoài ra, AI có thể làm nhiệm vụ lồng tiếng. Chỉ cần một đoạn ghi âm giọng nói của diễn viên, phần mềm có thể tạo ra các câu thoại y hệt với bất kỳ nội dung nào được nhập vào.
"Tất cả đang dẫn đến con đường nguy hiểm", Harry Yoon, nhà biên tập phim Minari và Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings, cho biết. "Các mô hình AI, nếu được cung cấp đủ dữ liệu, có thể tạo ra một đoạn phim hoặc phân cảnh khá ổn. Các giám đốc hãng phim sẽ tự hỏi: tại sao chúng ta lại cần tới ba biên tập cho một bộ phim, tại sao không ít hơn?".
Theo đại diện của Liên minh các nhà sản xuất phim điện ảnh và truyền hình Mỹ (AMPTP) - nhóm thay mặt cho các hãng phim và nhà sáng tạo nội dung trực tuyến, AI đang "đặt ra những câu hỏi khó, quan trọng về sáng tạo và pháp lý cho mọi người". Do vậy, việc đưa ra các quy tắc là cần thiết.
"Đó không chỉ là sự đe dọa người lao động sáng tạo ở Hollywood. Đó còn là mối nguy hiểm cho tất cả người lao động ở khắp mọi nơi", Ruck nhận xét. "Nếu có thể lập trình AI để thay công việc sáng tạo, chắc chắn họ sẽ dùng AI thay cho quản lý cấp trung".
Theo các công ty đứng sau công cụ AI, mục đích của họ không phải là thay thế người sáng tạo, mà là cho phép nhà sáng tạo nội dung có nhiều thời gian hơn để nghĩ ý tưởng mới. "Chúng ta không chỉ nghe câu chuyện kinh dị hay cổ tích. Cuộc sống có nhiều sắc thái hơn thế", Cristóbal Valenzuela, CEO Runway - công cụ chỉnh sửa video bằng AI, nói. "Bạn không thể chỉ cần gõ phím 'làm cho tôi một bộ phim' và AI sẽ tạo ra một bộ phim".
Chad Nelson, Giám đốc sáng tạo của Topgolf Media, người gần đây dùng Dall-E của OpenAI để tạo bộ phim ngắn, dự đoán AI sẽ thay thế một số công việc sáng tạo ở Hollywood trong 1-2 năm tới. "Những cảnh quay như drone chạy trên cao tốc sát biển với một chiếc ôtô đầy màu sắc sẽ không cần con người thực hiện nữa", Nelson cho hay.
Các công ty khác nói họ sẵn sàng chấp nhận việc sử dụng AI "như một công cụ giúp họ động não và phát triển câu chuyện. Tuy nhiên, họ tin ý tưởng bot thay thế diễn viên, biên kịch là điều xa vời. "AI có thể tạo ra nhiều ý tưởng, nhưng không phân biệt được ý tưởng hay và ý tưởng tồi", Jon Dudkowski, người đứng sau dự án phim Star Trek: Discovery của Paramount, nói.
Evan Halleck, chuyên gia về hiệu ứng hình ảnh, cho biết đã dùng Runway trong quá trình thực hiện Everything Everywhere All at Once - bộ phim đoạt giải Oscar 2023. Ông thích công cụ này vì nó cho phép rút ngắn thời gian hoàn thành công việc. Dù vậy, ông cũng có chút lo lắng: "Tôi lo ngại hợp đồng biểu diễn 10 ngày có thể rút còn 5 ngày".
Một số diễn viên và nhà văn lo rằng nếu không cứng rắn với AI ngay từ giờ khi nó còn ở giai đoạn sơ khai, mọi thứ sẽ quá muộn. "AI là công nghệ tồi tệ nhất từng có trong cuộc sống chúng ta. Ngay bây giờ, phải xác định liệu nó có phải là thực thể sáng tạo, là công cụ để các nhà sáng tạo sử dụng hay không", diễn viên Dahlia Heyman cho biết.
Những người làm trong lĩnh vực biên tập tại Hollywood đang kêu gọi thành lập một hiệp hội với nhiệm vụ giải quyết các vấn đề AI và cách công nghệ này có thể ảnh hưởng đến các thành viên của mình.
Trong khi đó, Hiệp hội Diễn viên SAG, đại diện cho 160.000 nghệ sĩ biểu diễn bao gồm các ngôi sao hạng A, muốn đảm bảo các hãng phim phải tuân thủ "sự đồng ý có hiểu biết" từ diễn viên trước khi sử dụng bản sao kỹ thuật số của họ và đưa ra mức thù lao công bằng. Hiệp hội Nhà văn Mỹ Writers Guild of America cũng muốn các tác phẩm của họ không được dùng cho mục đích đào tạo AI. Ngoài ra, AMPTP cũng cho biết đã đưa ra đề xuất "mạnh mẽ và công bằng" để giảm thiểu các lo ngại. Dù vậy, chưa có hướng giải quyết cụ thể nào được đưa ra.
Bảo Lâm (theo WSJ)