Remie Michelle Clarke là chuyên gia lồng tiếng nổi tiếng tại Ireland. Một ngày, cô nhận được cuộc gọi từ đồng nghiệp cũ, hỏi thu nhập ở nơi làm việc mới có cao hơn chỗ cũ không.
Clarke bối rối vì cô chỉ đang có hợp đồng ở một nơi duy nhất là Microsoft. Cô bắt đầu tìm hiểu và phát hiện một website chuyên chuyển văn bản thành giọng nói và giọng này rất giống với cô - một người Ireland bản địa.
"Tôi hoàn toàn sốc", Clarke nói với Bloomberg.
Theo mô tả của Clarke, website sử dụng giọng nói giống của cô cho nhiều mục đích, từ quảng cáo, đào tạo, âm thanh YouTube cho đến tin nhắn thoại. Người dùng chỉ cần bỏ một số tiền nhất định, sau đó đưa ra yêu cầu theo ý muốn.
Tiếp tục tìm kiếm, Clarke phát hiện một website tương tự. Những trang này hoạt động khá bí ẩn và không rõ người đứng sau.
Mike Cooper, diễn viên lồng tiếng người Anh làm việc tại Mỹ, cũng tìm thấy giọng nói của mình trên hai website tạo giọng nói bằng AI. Cooper liên hệ và đội ngũ đứng sau nói họ sử dụng dữ liệu âm thanh của ông một cách hợp pháp. Dù vậy, ông cho biết mình chưa bao giờ nói chuyện với bất kỳ đại diện nào của cả hai
"Một số đồng nghiệp khác cũng gặp vấn đề tương tự, dù họ chưa bao giờ lồng tiếng cho những nội dung đó. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi", Cooper nói với Bloomberg.
Clarke cho biết cô cũng không rõ các website có khai thác giọng nói của mình một cách hợp pháp hay không. Tuy nhiên, cô cho rằng hợp đồng của mình với Microsoft có thể là nguyên nhân khiến giọng của cô bị chia sẻ cho bên thứ ba và xuất hiện trên các website chuyên lồng tiếng bằng AI.
Rob Sciglimpaglia, luật sư của Clarke, nói cô đã đồng ý một số điều khoản mở rộng với Microsoft. Tuy nhiên, hợp đồng đã ký cách đây nhiều năm và khi đó họ khó nhận thức được mức độ phức tạp của công nghệ AI hiện nay.
"Ban đầu, tôi chỉ lo mất nguồn thu nhập do mọi người sử dụng giọng của mình mà không trả tiền", Clarke nói. "Nhưng rộng hơn, tôi sợ mất đi sự nghiệp khi giọng nói AI trở nên hoàn thiện. Với công nghệ này, bạn có thể khiến ai đó nói bất cứ điều gì họ muốn".
Theo The Verge, các AI tạo sinh giúp việc sao chép, bắt chước giọng nói trở nên dễ dàng hơn, với mức độ chân thật ngày càng được nâng cao. Không chỉ nghệ sĩ, người dùng bình thường cũng có thể dùng AI để tạo phiên bản giọng nói của chính họ thông qua hàng loạt nền tảng trên Internet. Họ chỉ cần nói liên tục vào micro vài phút, AI sẽ xử lý dữ liệu trong thời gian ngắn. Sau đó, người dùng chỉ cần nhập nội dung cần nói vào khung hội thoại, "bản sao" sẽ nhắc lại với giọng gần như giống hệt bản gốc, đến mức người thân và bạn bè không nhận ra.
Theo giới chuyên gia, các công nghệ này có nguy cơ bị lạm dụng cho mục đích lừa đảo. Kẻ xấu sẽ dùng giọng của một người trong các video đăng trực tuyến, sau đó đưa vào chương trình AI và dùng âm thanh đó đi lừa người thân hoặc bạn bè của họ thông qua các cuộc gọi điện.
"Chỉ cần nhận được một mẫu giọng chỉ dài vài giây, AI có thể mạo danh bạn một cách hoàn hảo", tiến sĩ Ragib Hasan của Đại học Alabama tại Birmingham (UAB) nói với WBRC.
Bảo Lâm