Nhưng khi Thành phố giải thích rõ ràng hơn về ý tưởng kết hợp mái che và cây xanh, tôi cho rằng đây là giải pháp khả thi, có thể triển khai đồng bộ, tránh nguy cơ ngột ngạt, nóng bức do thiếu mảng xanh.
Đề xuất khiến tôi nghĩ ngay đến những mái che cho người đi bộ, gọi là Linkway ở Singapore - hệ thống tôi từng tham gia thiết kế khi còn làm việc ở đảo quốc này.
Singapore triển khai hệ thống Linkway đầu tiên tại đường Orchard khi tiến hành tái thiết hạ tầng đô thị vào những năm 1990. Đến năm 2018, hơn 200 km mái che đã được xây dựng, và sẽ còn được chính phủ mở rộng thêm trên khắp đất nước.
Với những điểm tương đồng về mật độ đô thị, văn hóa Á châu và khí hậu nhiệt đới, TP HCM có thể tham khảo cách làm của thành phố láng giềng này.
Thiết kế mái che bộ hành tại Singapore được cơ quan Đường bộ (LTA) và Quy hoạch (URA) chia thành hai loại chính: Lối đi ngoài trời có mái che (Covered Linkway) và Hành lang đi bộ (Covered Walkway). Khác biệt nằm ở chỗ, Covered Linkway là hệ thống được xây dựng bổ sung với phần cấu trúc đứng độc lập trên vỉa hè. Trong khi đó, Covered Walkway là lối đi dựa trên hành lang sẵn có của các cao ốc, nhà ống, trung tâm thương mại mặt phố. Covered Walkway là sự kết hợp mang tính chất "win-win" vì "có càng nhiều người đi bộ, chủ hộ kinh doanh càng được lợi".
Lịch sử của lối đi có mái che bắt đầu từ bản quy hoạch năm 1822 của Sir Stamford Raffles, người cha lập quốc hiện đại của Singapore, trong đó Điều 18 ghi rõ: "Khi xây dựng, mỗi căn nhà phố cần phải có một hành lang mở, rộng năm feet (khoảng 1,5 m), tạo thành lối đi cho người bộ hành". Thiết kế lối đi này thường được thấy ở các căn nhà phố truyền thống khắp đảo quốc.
Sau khi Singapore giành được độc lập từ Anh quốc, mãi cho đến những năm 1980, công việc nâng cấp và cải tạo hạ tầng đô thị mới được đặt ra, và yêu cầu xây dựng những lối đi có mái che kết hợp nâng cấp vỉa hè trở nên cấp thiết. Những mái che Linkway đầu tiên ở đường Orchard còn mắc khá nhiều lỗi thiết kế: mái che đôi lúc đứt quãng, kích thước không đồng đều, thoát nước không triệt để hoặc vô tình giao cắt tạo ra các luồng giao thông bất tiện.
Từ năm 2000, các nhà quy hoạch tại Singapore bắt đầu vạch ra tiêu chuẩn chung trong thiết kế Linkway: một Covered Linkway lý tưởng cần có chiều rộng 2,4 m và cao 2,1 m đến 2,4 m. Độ dốc trên lối đi tối đa 1:12, đảm bảo người già và người tàn tật có thể sử dụng, cùng hệ thống chiếu sáng ban đêm ở những khu vực cần thiết. Trong khi đó, Covered Walkway cần có bề rộng tối thiểu 3,0-3,6 m.
Về mặt bố trí, mái che cần tránh tiếp giáp với cửa sổ/ ban công các tòa nhà để tránh trộm leo vào, đồng thời khi quy hoạch cần kết nối tất cả khu dân cư, cửa hàng tiện lợi, nút giao thông (bến xe buýt, nhà ga, trường học, trung tâm sinh hoạt cộng đồng). Các trạm xe buýt trên toàn đảo quốc cũng được bố trí mái che với kích thước tương tự và được thực hiện đồng bộ. Vật liệu kính không được phép sử dụng vì lý do an toàn khi nứt vỡ.
Trong khi thiết kế, tôi cũng được yêu cầu sử dụng các tấm hình tổ ong (Honey Comb Panels) cho phần mái che với mục đích cách nhiệt, hạn chế cảm giác nóng hầm hập trong những buổi trưa oi ả. Phần móng của Linkway thông thường được kết hợp với phần nắp cống thoát nước mặt đường, hoặc có kích thước rất lớn, do Singapore thường có những cơn giông với gió giật mạnh trong thời gian ngắn. Mái che Linkway dốc về phía dải trồng cây ven đường với mục đích thoát nước cũng như sử dụng nước mưa để tưới cây.
Điều quan trọng của hệ thống Linkway là không thể thiếu sự hiện diện của cây xanh. Lợi ích đáng kể mà cây xanh đô thị mang lại là giảm nhiệt độ môi trường, cải thiện vi khí hậu và tạo bóng râm. Cây ven đường ở Singapore thường chỉ cao 3-5 m, rất hiếm khi thấy những cây cao quá khổ. Chiều cao này góp phần tối ưu hóa việc đổ bóng lên mặt đường và vỉa hè.
Ngoài ra Singapore "xanh hóa" các mái che bằng việc bố trí cây dây leo lên các sợi cáp nối giữa bồn cây và phần mái. Dây leo có thể bao phủ phần trên và phủ xanh mái che. Giải pháp này giúp giảm đáng kể cảm giác nóng nực và làm cho hệ thống Linkway hòa quyện vào thiên nhiên, gần như "vô hình" trên các vỉa hè. Linkway luôn được bố phía dưới các tán cây, góp phần đảm bảo an toàn cho người đi bộ khỏi cành lá rơi vào người trong những ngày mưa bão.
Các tiêu chuẩn quy phạm và yêu cầu kỹ thuật thiết kế Linkway được công bố rộng rãi trên Internet để chủ đầu tư cũng như kiến trúc sư dễ dàng tuân thủ khi thiết kế, thi công, tạo sự đồng bộ khắp cả nước.
Với khí hậu nhiệt đới cận xích đạo, nóng ẩm, nắng gắt quanh năm, đặc biệt vào buổi trưa, và có những cơn mưa rào đột ngột kết hợp với gió mạnh vào buổi chiều, hệ thống Linkway của Singapore phát huy hiệu quả nhất trong việc che mưa cho người đi bộ khi tiếp cận với phương tiện giao thông công cộng (như trạm xe bus, cầu vượt bộ hành và nhà ga metro).
Người dân có thể đi từ nhà đến nơi làm việc mà không mắc một giọt nước mưa, cũng chẳng cần phải che kín mặt mũi như "ninja" để bảo vệ làn da và sức khỏe của mình. Hệ thống mái che trở thành một điều "ghi điểm" trong mắt người dân Singapore, khiến họ thích sử dụng giao thông cộng hơn là phương tiện cá nhân, đặc biệt vào những ngày mưa gió, nắng gắt.
Việc phát triển hệ thống mái che còn là "mũi tên trúng hai đích": giúp giảm thiểu sử dụng xe gắn máy trong trung tâm thành phố và hạn chế việc lấn chiếm lối đi bộ ở vỉa hè.
Mô hình, giải pháp và sự thành công của những lối đi có mái che và cây xanh đã có sẵn. Điều quan trọng còn lại là quyết tâm của TP HCM trong việc triển khai một cách đồng bộ, vì lợi ích kinh tế của thành phố và chất lượng sống của người dân.
Trình Phương Quân